Tạo nhiều dư địa hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị “Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong bối cảnh ảnh hưởng của tình hình thế giới, Hà Nội vẫn đạt 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022.
Thành công trên có đóng góp to lớn, quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội và các tập đoàn, công ty lớn trong đó có hệ thống các TCTD. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết, các chính sách hỗ trợ, sự đồng hành của Chính phủ, thành phố, ngành Ngân hàng sau đại dịch Covid-19 được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao; nhất là chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới, giảm tiền thuê đất, tiền điện…
Doanh nghiệp chưa mặn mà với chương trình hỗ trợ lãi suất 2% |
Thông tin tại hội nghị, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cho biết, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đến 30/11/2022 đạt 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với 31/12/2021. Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đến 30/11/2022 đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với 31/12/2021. Dư địa tăng trưởng trên địa bàn trong tháng 12 vẫn còn 1,3%, chưa tính hạn mức tăng thêm từ 1,5 - 2%. Như vậy, trong tháng 12, nếu tăng kịch trần thêm 3,3% sẽ tương ứng với 96,2 nghìn tỷ được giải ngân cho các doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh Hà Nội, việc NHNN đã xem xét và quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các NHTM sẽ tạo thêm dư địa hỗ trợ cho các doanh nghiệp, dự án, chương trình, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế hiện nay. Song việc phân bổ tín dụng lần này có chọn lọc, ưu tiên cho ngân hàng nào có khả năng thanh khoản dồi dào và thực hiện chính sách giảm lãi suất hiện nay.
“Đây có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các NHTM tập trung huy động vốn và giảm lãi suất. Từ đó tạo điều kiện rất thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế và cũng là nền tảng để tính tăng trưởng tín dụng cho năm 2023”, lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hà Nội đánh giá.
Gỡ vướng cho gói hỗ trợ lãi suất
Một trong những chính sách được cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi đó là gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Xác định thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành Ngân hàng đến hết năm 2023, các NHTM chủ động rà soát khách hàng hiện hữu đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất; Tích cực truyền thông chính sách với những hình thức khác nhau để khách hàng nắm được.
Mặc dù sự vào cuộc của ngành Ngân hàng rất quyết liệt, nhưng kết quả thực hiện không được như kỳ vọng. Đơn cử đến cuối tháng 10/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất trên địa bàn Hà Nội đạt 5.000 tỷ đồng với 209 khách hàng được hỗ trợ, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.000 tỷ đồng và số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 12,242 tỷ đồng.
Trước thực tế này, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập đoàn khảo sát liên ngành cấp Bộ, giao NHNN Việt Nam chủ trì, tiến hành khảo sát tại một số địa phương, trong đó có TP. Hà Nội và đã xác định có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả triển khai gói hỗ trợ lãi suất chậm chạp.
Theo đó một mặt các NHTM gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất vì nhiều trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành mà theo quy định chỉ có một số ngành, lĩnh vực được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất. Mặt khác do chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên cả NHTM và khách hàng đều thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn, tránh để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách...
Về phía doanh nghiệp, mặc dù các NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song họ cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
Liên quan đến chính sách này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh cũng thừa nhận, đại diện nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi lo lắng về điều kiện thủ tục của gói hỗ trợ lãi suất. Theo thông tin từ phía các doanh nghiệp, họ đang khó tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% do không đủ điều kiện đáp ứng. Cụ thể như không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định…
Nhưng bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cho biết họ không muốn vay gói hỗ trợ do quy trình, thủ tục rắc rối, phức tạp; từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán… Thậm chí, có doanh nghiệp còn lo ngại về việc bị các cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau khi nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất.
Để “khơi thông” gói hỗ trợ lãi suất, lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất Chính phủ tháo gỡ cơ chế giảm bớt thủ tục hành chính, mở rộng đối tượng... để doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% nhiều hơn. Về phía ngành Ngân hàng, lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, cơ quan này tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp để kết quả giải ngân tích cực hơn.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hà Nội kêu gọi các NHTM trên địa bàn tích cực triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, doanh nghiệp tham gia bình ổn giá... bằng những hình thức thiết thực. Đơn cử thông qua các gói sản phẩm có lãi suất ưu đãi hơn...
Trong thời gian tới, NHNN chi nhánh TP. Hà Nội tiếp tục tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa NHTM và khách hàng, nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý, tháo gỡ; Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xử lý kịp thời các khó khăn phát sinh của NHTM, doanh nghiệp.
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, các NHTM tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng, riêng về chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất: Tính đến tháng 6/2022, các TCTD trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 62.362 khách hàng với dư nợ 63.406 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 325.510 khách hàng với dư nợ 536.253 tỷ đồng... |