Diện tích khổng lồ nằm trong lòng hồ Đại Lải bị Công ty TNHH Đại Lải san lấp |
Liên quan đến loạt bài phản ánh của Báo Giao thông, ngày 3/7, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc Đinh Gia Thành đã ký báo cáo gửi Tổng cục Thủy lợi, UBND tỉnh Vĩnh Phúc về các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Đại Lải. Báo cáo đưa ra những thông tin khiến nhiều người giật mình về diện tích mà 4 “ông lớn” trong tổng số hơn 10 doanh nghiệp đã và đang “xâu xé” hồ Đại Lải.
3 “ông lớn” đua nhau lấn chiếm hồ
Cụ thể, với Dự án khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải của Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải, số liệu tính toán theo đường đồng mức bản vẽ san nền có tổng diện tích hơn 100ha. Trong tổng diện tích này, có 50,91ha nằm trong vùng phụ cận của hồ; 53,3ha nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ Đại Lải; diện tích nằm trong lòng hồ Đại Lải là 18,94ha.
Đối với dự án Khu du lịch Đảo Ngọc của Công ty TNHH Đạt Tiến, hoạt động xâm phạm diễn ra nghiêm trọng hơn. Cụ thể, công ty này được giao 3,708ha nhưng doanh nghiệp đã tự ý xây tường rào, quây đất với tổng diện tích 5,26ha. Doanh nghiệp này đã tự ý đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất chiếm hồ, làm đường dạo…
Phần đất mà doanh nghiệp này đổ đất lấp lòng hồ là 2,05ha, trong đó phần đất doanh nghiệp tự ý chiếm là 1,549ha. Trong suốt quá trình triển khai, dự án này cũng chưa được cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, giấy phép làm bến bãi, giấy phép kinh doanh dịch du lịch trên hồ, giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi.
Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải đã lấn hồ để làm Dự án khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải. Ảnh: ST |
Báo cáo cũng cho thấy, dự án Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải - Paradise Đại Lải Resort của Công ty CP đầu tư và thương mại Nhật Hằng (Công ty Nhật Hằng) có diện tích được cấp phép hoạt động trong lòng hồ Đại Lải và vùng bán ngập lên tới 30,1ha.
Quá trình kiểm tra hiện trường, các cơ quan chức năng phát hiện Công ty Nhật Hằng đã đắp đất, ngăn hồ tạo thành đường nội bộ dài 190m, diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2ha. Công ty này cũng không có giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi theo quy định.
Còn Dự án sân Golf và tổ hợp văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam nằm hoàn toàn trong phạm vi bảo vệ hồ Đại Lải. Cụ thể, dự án này có 75,97ha nằm trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước. Đáng chú ý có tới 45,67ha nằm ở dưới cao độ mực nước dâng bình thường 21,5m, nằm hoàn toàn trong lòng hồ Đại Lải.
Lùng nhùng xử phạt
Một góc Dự án Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải - Paradise Đại Lải Resort nằm ven hồ của Công ty Nhật Hằng. Ảnh: ST |
Không chỉ đến bây giờ sai phạm của 4 “ông lớn” nêu trên mới lộ diện mà trước đó, tại Kết luận số 253 ngày 20/2/2020, Tổng cục Thủy lợi đã kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng xử phạt VPHC đối với 4 doanh nghiệp nêu trên. Sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Văn bản số 2477 ngày 7/4/2020 về việc triển khai thực hiện Kết luận số 253 của Tổng cục Thủy lợi, giao UBND TP Phúc Yên tiến hành các biện pháp xử phạt VPHC đối với các doanh nghiệp trên.
Trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát môi trường (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết, hiện đơn vị chuyên môn được Cục Cảnh sát môi trường cử đi kiểm tra vụ việc hồ Đại Lải bị xâm phạm đang làm báo cáo gửi đơn vị. Cục Cảnh sát môi trường sẽ căn cứ trên báo cáo của đơn vị chuyên môn để triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo.
Ông Nguyễn Đắc Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi) cho biết: “Trong kết luận kiểm tra, Tổng cục Thủy lợi đã chỉ rõ những sai phạm của 4 doanh nghiệp trong việc xâm phạm công trình thủy lợi hồ Đại Lải, đồng thời đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo xử phạt VPHC. Việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho UBND TP Phúc Yên xử phạt VPHC là đúng quy trình. Nếu đơn vị này không xử phạt, cần nêu rõ vì sao, dựa vào những căn cứ nào cần trình lên tỉnh để có hướng xử lý chứ không thể nói rồi không làm để các doanh nghiệp vi phạm “nhờn luật”.
Liên quan đến Quyết định 41 ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án sân Golf và tổ hợp văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam, cho phép công ty này được san nền thấp nhất 17,65m (tức tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp cho doanh nghiệp 45,67ha nằm hoàn toàn trong lòng hồ Đại Lải), PV Báo Giao thông đã liên hệ Sở Xây dựng Vĩnh Phúc - đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định này.
Trao đổi với PV, ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Quy hoạch - kiến trúc (Sở Xây dựng Vĩnh Phúc) cho biết: “Để ra được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 phải căn cứ vào rất nhiều hồ sơ từ cấp phép dự án, quyết định giao đất, xác định mốc giới… Việc này có lịch sử lâu đời từ hàng chục năm trước, chúng tôi phải nghiên cứu tài liệu rồi trả lời báo sau”.
PV đặt câu hỏi: “Thực tế Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đã bạt cả 1 quả đồi để đổ đất lấp xuống lòng hồ Đại Lải, trong quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 có cho phép việc này không thì ông Dũng cho biết: “Bản chất khu vực này là quả đồi, trước đó là một rừng cây keo”. Tuy nhiên, ông Dũng cũng không đưa ra được thông số cao trình “rừng cây keo” đó là bao nhiêu mà có khối lượng đất khổng lồ san xuống lấp hồ như vậy.
Sau nhiều lần liên hệ, PV đã đặt lịch làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 3/7, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Văn bản số 5041 về việc liên hệ, làm việc và cung cấp thông tin cho PV Báo Giao thông. Công văn nêu rõ: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì giao các Sở: TN&MT, NN&PTNT, Xây dựng và UBND TP Phúc Yên làm việc với PV, cung cấp thông tin theo quy định. Tuy vậy, ngày 6/7, khi PV Báo Giao thông tới làm việc, các đơn vị này đã không cử người đủ thẩm quyền phát ngôn theo quy định. Bộ phận văn phòng các đơn vị đề nghị PV đặt lại câu hỏi để trình lãnh đạo đơn vị xem xét trả lời sau.
Theo Báo Giao thông