Cho 9 khách hàng vay gần nửa số vốn tự có, Sacombank nói gì?

Hằng Kim 09:46 21/07/2023

Sau khi kết luận của thanh tra Chính phủ được công bố, nhiều câu hỏi được đặt ra như: Sacombank có vi phạm quy định về cấp tín dụng?

CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank đã trả lời thẳng thắn những nghi vấn mà dư luận đặt ra thời gian qua. Bà Diễm nói:

Trước tiên, tôi khẳng định nhóm 9 khách hàng này không có mối quan hệ liên quan theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Điều này đã được thanh tra Chính phủ nêu rõ tại kết luận.

Về dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An mà nhóm 9 khách hàng cùng vay để rót vốn, đây là dự án có quy mô rất lớn, được phép chuyển nhượng theo từng phân khu, vị trí đắc địa. Do vậy việc nhiều nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng và cùng tham gia đầu tư cũng là hợp lý và pháp luật cho phép.

Tại thời điểm cho vay, Sacombank nhìn nhận đây là các khách hàng có pháp nhân độc lập, tình hình hoạt động ổn định, phương án kinh doanh khả thi, có vốn tự có để trả lãi. Trong quá trình vay, các khách hàng này cũng trả vốn lãi đúng hạn.

“Thời gian đầu sau sáp nhập, Sacombank như một người vừa khỏi bệnh, phải linh hoạt áp dụng các điều kiện trong khuôn khổ Đề án tái cơ cấu cho phép để xử lý nhanh nợ xấu và tài sản tồn đọng, từng bước hồi phục hoạt động kinh doanh lõi, gia tăng năng lực tài chính nhằm có nguồn lực xử lý dần các vấn đề tồn đọng. Từ kinh nghiệm của mình, chúng tôi nhận thấy rằng, muốn tái cơ cấu hiệu quả phải có mô hình đo ni đóng giày phù hợp cho từng tổ chức tín dụng, căn cứ trên thực trạng tài chính, năng lực hoạt động… chứ khó có thể áp dụng một công thức chung cho tất cả”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – CEO Sacombank nói.

Những khoản vay này phát sinh trước hay sau khi ông Dương Công Minh tham gia tái cơ cấu Sacombank?

9 khoản vay mà dư luận quan tâm đều phát sinh trước khi ông Dương Công Minh tham gia tái cơ cấu, trở thành Chủ tịch Sacombank và tôi đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc ngân hàng. Nhưng dù phát sinh ở thời điểm nào, tôi với tư cách là người đại diện pháp luật, luôn xác định mình phải có trách nhiệm xử lý triệt để những tồn tại làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, đưa Sacombank phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.

Chúng tôi cũng thẳng thắn nhìn nhận trong quá trình cho vay, có thể đã có một số thiếu sót và các thiếu sót này đã được Thanh tra Chính phủ ghi nhận và chỉ ra trong kết luận gần đây. Như việc khách hàng cung cấp dữ liệu sai lệch giữa số liệu gửi Sacombank và cơ quan thuế, phải đến khi thanh tra chỉ ra, chúng tôi mới biết. Sacombank đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, có lộ trình thu hồi nợ vay. Đến nay, Sacombank đã thu hồi hết toàn bộ nợ vay của 9 khách hàng này và các khách hàng mà kết luận thanh tra đề cập như CTCP Đầu tư Long Biên, CT TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Office 85, CT TNHH Sản xuất Thương mại Soài Rạp, CT TNHH Bất động sản Trí Đức, CT TNHH Vina Alliance, Công ty CP Đồng Tâm.

Riêng CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Dấu ấn Sài Gòn vẫn còn dư nợ tại Sacombank. Đây là khoản vay được Đề án tái cơ cấu cho phép tiếp tục tài trợ, cơ cấu nợ. Thời gian qua, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh và kinh tế suy thoái, dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ. Công ty này cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, khách hàng vẫn đang sử dụng vốn tự có để thanh toán vốn và lãi vay đúng hạn theo thỏa thuận. Hiện tài sản đảm bảo của khách hàng đều rất có giá trị, tọa lại các vị trí đẹp và khách hàng cũng đang trong quá trình đàm phán với nhiều đối tác có nhu cầu.

Kết luận của thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra sai phạm liên quan đến sở hữu chéo Ngân hàng Kiên Long, góp vốn mua cổ phần vào CTCP Kinh doanh thủy sản Sài Gòn vượt quá quy định… Sacombank đã khắc phục những vấn đề này ra sao?

Các vi phạm về sở hữu chéo, góp vốn mua cổ phần vượt quy định đều phát sinh trước khi Đề án tái cơ cấu được phê duyệt.

Trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án tái cơ cấu, mục tiêu tiên quyết của Sacombank là phải tập trung xử lý nhanh các khoản nợ xấu, tài sản tồn đọng và phục hồi hoạt động kinh doanh lõi nhằm gia tăng năng lực tài chính.

Thời điểm Thanh tra Chính phủ vào kiểm tra, đánh giá thì các vấn đề này vẫn còn tồn đọng. Tuy nhiên đến nay Sacombank đã hoàn tất khắc phục tất cả các vi phạm nêu trên và hoàn toàn đáp ứng các quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng.

Vì sao 77 khoản nợ trước khi bán cho VAMC ngân hàng không trích lập bổ sung dự phòng 2.403,8 tỉ đồng?

77 khoản vay trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đều phát sinh từ Ngân hàng Phương Nam. Căn cứ hiện trạng tại thời điểm sáp nhập, Sacombank tiếp tục theo dõi và xử lý những khoản vay này. Thực tế sau sáp nhập, nội lực tài chính của Sacombank còn hạn chế lại phải đối diện hàng loạt áp lực từ nợ xấu và tài sản tồn đọng tăng cao, khả năng hoạt động liên tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

  • Do đó, Sacombank đã trình NHNN xin được áp dụng một số cơ chế đặc thù về việc bán nợ VAMC, cũng như trích lập dự phòng theo năng lực tài chính để từng bước phục hồi hoạt động kinh doanh lõi, gia tăng nguồn lực để xử lý dần các tồn đọng theo lộ trình.

Trong thời gian chờ NHNN xem xét và trình Chính phủ phê duyệt, Sacombank đã bán cho VAMC các khoản vay này để giảm áp lực phải trích dự phòng ngay theo quy định. Đây là giải pháp tốt nhất mà Sacombank có thể thực hiện nhằm vừa đảm bảo an toàn hoạt động, vừa thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra trước đó theo lộ trình.

Đến nay, đối với các khoản vay đã bán nợ cho VAMC, Sacombank đã trích lập dự phòng đầy đủ theo Kết luận thanh tra và theo quy định. Một số khoản vay không thể khắc phục được, chúng tôi đã trích lập dự phòng 100% trái phiếu VAMC. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiêm túc nhìn nhận thiếu sót của mình, sẵn sàng khắc phục các tồn đọng cũng như kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.

Trong năm nay, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để trích lập dự phòng đủ 100% dự phòng đối với tất cả các khoản nợ đã bán VAMC này. Đồng thời, quyết liệt triển khai các biện pháp như đôn đốc khách hàng thanh toán, bán đấu giá tài sản/khoản nợ, khởi kiện… để xử lý thu hồi nợ.

Hàng loạt sai phạm nêu trong kết luận của thanh tra Chính phủ ảnh hưởng thế nào đến tiến độ hoàn thành tái cơ cấu của Sacombank?

Việc NHNN trình Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của Sacombank và được Chính phủ phê duyệt là một bước ngoặt lớn đối với Sacombank, đồng thời cũng là một chủ trương lớn và phù hợp của ngành ngân hàng. Một trong những nguyên nhân quan trọng để Sacombank có những bước tiến mạnh mẽ sau này là do Đề án tái cơ cấu đã đưa ra các quy định phù hợp với thực trạng của Sacombank, tạo điều kiện để ngân hàng tận dụng tốt nguồn lực, xử lý các tồn đọng sau sáp nhập và nâng cao năng lực tài chính.

  • Đến nay, Sacombank đã xử lý phần lớn nợ xấu và tài sản tồn đọng, hoàn tất xử lý tất cả các vấn đề về sở hữu chéo, đầu tư góp vốn sai quy định, phục hồi mạnh mẽ hoạt động kinh doanh lõi. Ngân hàng cũng gia tăng năng lực quản trị điều hành và quản lý rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế. Đối với các khoản nợ xấu tồn đọng còn lại chưa xử lý được, chúng tôi cũng đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định và đang quyết liệt thu hồi theo lộ trình.

Vừa qua, Sacombank cũng đã trình NHNN phương án xử lý tài sản đảm bảo là cổ phiếu của ông Trầm Bê và người có liên quan để thu hồi nợ. Trong điều kiện thuận lợi được phê duyệt sớm, Sacombank sẽ chính thức hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngay trong năm nay hoặc nửa đầu năm sau.

Như vậy đến thời điểm hiện nay, Sacombank là ngân hàng cổ phần tư nhân đầu tiên tại Việt Nam thực hiện tái cơ cấu bằng vốn tự có mà không phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Đích đến không còn xa nữa.

Trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án, chúng tôi chưa thể hoàn tất xử lý ngay các vấn đề kiến nghị, cũng như còn phát sinh một số sai sót trong quá trình hoạt động. Các nội dung trong kết luận của Thanh tra chính phủ đã giúp chúng tôi nhìn nhận và khắc phục những thiếu sót của mình. Một lần nữa, tôi khẳng định rằng, chúng tôi đã tất toán các khoản vay, trích lập dự phòng đầy đủ cũng như chấn chỉnh lại hoạt động, kiện toàn bộ máy, có những bước đi vững chắc hơn để tiến tới hoàn thành Đề án trước thời hạn.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank

Những ngày qua có tin đồn về việc Bamboo Airways đệ đơn xin phá sản/bảo hộ phá sản. Là ngân hàng đang có khoản cho vay và ông Dương Công Minh – Chủ tịch Sacombank cũng đang tham gia vào quá trình tái cơ cấu Bamboo Airways, bà có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này cũng như tình hình thanh toán nợ vay của Bamboo Airways?

  • Năm 2021, Sacombank đã cho Bamboo Airways vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh của hãng. Việc cho vay này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và NHNN tại thời điểm đó là kích cầu du lịch, hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch COVID-19. Hoạt động cấp tín dụng cho hãng được thực hiện đúng quy định pháp luật cũng như quy định nội bộ của Sacombank.

Hệ quả từ ảnh hưởng của dịch bệnh, việc thay đổi chủ sở hữu và những thay đổi gần đây trong bộ máy quản trị điều hành ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động của Bamboo Airways. Nhưng mỗi tháng, dòng tiền từ Bamboo Airways qua tài khoản Sacombank vẫn dao động từ 1.000 đến 1.500 tỉ, khả năng trả nợ vẫn đảm bảo. Mặt khác, các khoản vay của Bamboo Airways đều có tài sản đảm bảo nên kể cả trong trường hợp xấu nhất Sacombank vẫn có thể chủ động trong phương án thu hồi nợ vay, hạn chế rủi ro cho ngân hàng.

Còn về ông Dương Công Minh, với bề dày kinh nghiệm trên thương trường và trong tái cơ cấu, việc ông đảm nhận vị trí cố vấn cấp cao Bamboo Airways trong giai đoạn khó khăn vừa qua của hãng là phù hợp. Theo tôi được biết thì hiện ông Lê Thái Sâm đang là Chủ tịch Bamboo Airways, đồng thời là cổ đông lớn nhất của hãng. Tôi tin ông Sâm sẽ có những chiến lược đúng đắn cho sự phát triển của Bamboo Airways.

Sacombank đạt hơn 4.700 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2023

  • Tính đến ngày 30/06/2023, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 4.755 tỷ, tăng 63,5% so cùng kỳ, đạt 50,1% KH Đại hội đồng cổ đông giao. Tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 622 ngàn tỷ, tăng hơn 5% so đầu năm, trong đó tài sản có sinh lời tăng 7,5%. Tổng huy động đạt hơn 549 ngàn tỷ, tăng gần 6%; trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng hơn 10%. Ngân hàng cũng tích cực triển khai các gói cho vay ưu đãi với quy mô hơn 25 ngàn tỷ đồng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhờ đó dư nợ tín dụng đạt hơn 460 ngàn tỷ, tăng gần 5%.

Tổng thu nhập thuần đạt hơn 13.500 tỷ, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động được kiểm soát dưới tiến độ theo kế hoạch. Theo đó, tỷ lệ CIR đạt 47,8%, giảm 0,6% so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước trích lập chi phí Đề án đạt gần 6.300 tỷ, tạo điều kiện trích lập ròng hơn 1.500 tỷ dự phòng VAMC. Các chỉ số sinh lời tiếp tục được cải thiện tích cực, ROA và ROE lần lượt đạt 1,26% và 19,03%, tăng 0,35% và 5,2% so với năm trước.

Công tác thu hồi, xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh với số thu gần 2.700 tỷ nợ gốc và lãi tồn đọng, nâng tổng mức thu hồi xử lý lũy kế từ khi triển khai Đề án lên gần 90 ngàn tỷ. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới 2% và các tỷ lệ an toàn hoạt động luôn được kiểm soát chặt chẽ dưới mục tiêu điều hành.

Theo Nhịp sống thị trường

Link gốc : https://markettimes.vn/cho-9-khach-hang-vay-gan-nua-so-von-tu-co-sacombank-noi-gi-34725.html

Bạn đang đọc bài viết Cho 9 khách hàng vay gần nửa số vốn tự có, Sacombank nói gì? tại chuyên mục Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng