WB: Covid-19 gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn

NHVN 15:39 29/09/2021

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam sẽ ở mức 4,8%. Tuy nhiên, Covid-19 kéo dài sẽ để lại hậu quả dài hạn đối với tăng trưởng kinh tế.

Sáng 29/9, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức cuộc họp báo công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương tháng 10/2021 - COVID Kéo dài.

Quan điểm chung của báo cáo là việc đại dịch Covid-19 kéo dài đang và sẽ làm trầm trọng hơn khủng hoảng kinh tế trong ngắn hạn và làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập và hạn chế tăng trưởng trong trung và dài hạn, nếu các biện pháp cần thiết không được thực thi khi cơ hội còn đang tồn tại.

Có tồn tại sự chênh lệch nhất định về triển vọng phục hồi kinh tế giữa các nước trong toàn bộ khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (EAP). Trong khi Trung Quốc đã ghi nhận đà tăng trưởng đáng kể, các quốc gia còn lại có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn đáng kể và tỉ lệ này cũng có khác biệt giữa các quốc gia.

Việt Nam nằm trong nhóm có triển vọng phục hồi tương đối tốt, trong khi Philippines, Thái Lan và nhiều quốc đảo Thái Bình Dương được dự đoán sẽ chỉ phục hồi về mức trước đại dịch vào năm 2023.

GDP tương đối của một số nước châu Á so với mức trước đại dịch. Nguồn: Haver Analytics


Trong báo cáo này, GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2021 và 6,5% trong năm 2022 và 2023. Dự báo này cho năm 2021 được hạ xuống từ 6,6% trong cập nhật tháng 4, nhưng vẫn lạc quan hơn mức 3,8% và 3,5-4% mà Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần lượt đưa ra gần đây.

Ngành nông nghiệp được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 2% trong năm 2022 và 2023, trong khi khu vực dịch vụ sẽ phục hồi mạnh, từ 2,7% trong năm 2021 lên 6% năm 2022 và 6,2% năm 2023.

Theo nhận xét của WB, chiến dịch tiêm chủng hiệu quả sẽ là chìa khóa để giảm thiểu tác hại của đại dịch Covid-19 đối với cả sức khỏe của người dân và nền kinh tế. Theo đó, bằng cách tiêm chủng đủ cho đại bộ phận người dân như ở Đức, Israel và Vương quốc Anh, các nước EAP có thể chuyển sang giai đoạn dịch Covid-19 âm ỉ, giảm tỉ lệ tử vong và ca bệnh nặng, và giúp các hoạt động kinh tế bình thường trở lại.

Tuy nhiên, hiện nay các quốc gia EAP đang đối mặt với các vấn đề khác nhau liên quan đến tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Một số quốc gia gặp khó khăn về đảm bảo nguồn cung vắc-xin, trong khi các quốc gia nhỏ hơn lại bị giới hạn bởi hạ tầng phân phối và tổ chức tiêm chủng.

Về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp, báo cáo của WB cho thấy rằng các doanh nghiệp lớn ít chịu ảnh hưởng cả về doanh thu lẫn năng suất và phần lớn lại được nhận hỗ trợ từ chính phủ các nước EAP, trong khi các doanh nghiệp siêu nhỏ chịu thiệt hại nặng nhất. Các doanh nghiệp lớn cũng có khả năng nhanh chóng tận dụng các nền tảng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng và các quá trình nội bộ so với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Năng suất, doanh thu và lượng nhân viên của các phân nhóm doanh nghiệp khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trong năm 2021. Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Về khuyến nghị chính sách, WB cho rằng các quốc gia WB cần tập trung tiêm chủng nhưng không bỏ qua các biện pháp can thiệp khác như xét nghiệm và truy vết, cải tạo hệ thống y tế nhằm thích nghi dần với Covid-19 trong dài hạn, tăng cường kỷ luật tài khóa tương lai và hợp tác về thuế, củng cố khung pháp lý về phá sản và tăng cường thương mại cũng như tạo điều kiện cho đầu tư quốc tế.

Đối với Việt Nam, WB cho rằng chính phủ Việt Nam cần tiếp tục dùng nguồn lực để giảm tác động tiêu cực đến xã hội của đại dịch, theo đuổi chính sách tăng trưởng xanh và tăng trưởng số, và tăng độ phủ cũng như cải thiện các chương trình hỗ trợ tiền mặt cho đối tượng khó khăn.

Theo Người đưa tin

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/wb-covid-19-gay-tro-ngai-cho-tang-truong-kinh-te-trong-dai-han-a529020.html

Bạn đang đọc bài viết WB: Covid-19 gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn tại chuyên mục Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng