Cụ thể, tổng quy mô tiền gửi của người dân tính đến cuối tháng 4/2021 chỉ đạt mức mức trên 5,26 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,34% so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố.
Tiền gửi ngân hàng của người dân có xu hướng ít dần trong những năm gần đây, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Lãi suất đang có xu hướng thấp dần theo từng năm càng khiến người dân trở nên ít "mặn mà" hơn với việc gửi tiền vào ngân hàng.
Trước đó, thời kỳ những năm 2013 và 2014 khi lãi suất huy động còn ở mức khá cao 7-9%/năm, tăng trưởng tiền gửi của dân cư cùng kỳ so sánh từng lên tới 13,55% và 9,83%. Tuy nhiên, cùng kỳ hai năm gần đây, tiền gửi dân cư lần lượt còn tăng 3,37% tại tháng 4/2020 và thấp nhất là tăng 2,34% tại tháng 4/2021.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm sâu (Ảnh minh họa) |
Các thống kê mới nhất tiếp tục chỉ ra, mặt bằng lãi suất đã giảm từ 1,5% đến 2,5%; lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng chỉ còn 3,3%/năm, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Từ đó, giới chuyên gia đã nhận định và kết luận rằng lãi suất tiết kiệm xuống thấp kỷ lục trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, cũng đã ảnh hưởng nhất định đến sức hút tiền gửi dân cư vào ngân hàng.
Hiện tại, chính vì việc gửi tiền vào ngân hàng không còn sinh lời ổn định như trước nữa nên người dân đang nhắm tới những kênh đầu tư hấp dẫn hơn.
Bất động sản đang rất "sốt" trong những tháng đầu năm, xu hướng rút tiền, vay vốn để "đập" vào lĩnh vực này khiến giới ngân hàng và chính quyền đã phải vào cuộc cảnh báo cùng những động thái siết chặt.
Bất chấp điều này, thị trường được dự báo sẽ không sớm hạ nhiệt trong thời gian sắp tới. Thông tin từ Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản lại gia tăng dù tổng vốn đầu tư nước ngoài giảm, đạt 1,15 tỷ USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam đón nhận nguồn vốn lớn nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký trong 6 tháng đầu năm.
Còn tại thị trường trong nước, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội ở các khu vực mới, ăn theo các công trình hạ tầng giao thông lớn, mật độ thấp.
Theo nhận định của bà Vũ Thị Thuý – Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam thì các nhà đầu tư nên nhắm đến đầu tư an toàn, đầu tư trung hạn và dài hạn. Nên tập trung đầu tư những sản phẩm có pháp lý rõ ràng, hạ tầng tốt, sản phẩm ở thị trường có tiềm năng về công nghiệp hay dịch vụ du lịch..., hạn chế việc dồn tiền, chạy theo phong trào rồi dẫn đến lỗ vốn như trong đợt sốt đất ảo vừa qua.
Vàng cũng là một kênh đầu tư tiềm năng. Nguyên nhân là bởi nhu cầu của người Việt Nam với món hàng này vẫn rất lớn.
Theo khảo sát cua Hội đồng vàng thế giới (WGC) về đầu tư vàng cá nhân tại Việt Nam vào tháng 3/2020, được công bố tại Hội nghị ban chấp hành Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thời điểm cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng ở mức độ cao bởi người Việt tin rằng vàng giúp chống lạm phát và biến động tiền tệ, giúp nhà đầu tư an tâm về lâu dài.
Trong số 2000 nhà đầu tư thì 68% người được hỏi cho rằng vàng là sản phẩm ưu tiên hàng đầu của họ; 72% đã nhà đầu tư vào vàng trong 1 năm gần đây cho thấy nhu cầu mua vàng ở Việt Nam vẫn còn rất mạnh. Đáng chú ý, có 81% người đã mua vàng trong quá khứ đang cân nhắc mua thêm vàng.
Sự quan tâm mạnh mẽ tới vàng bất chấp việc đây là kênh đầu tư được các chuyên gia khuyến cáo là ít sinh lời bởi giá cao, phải bỏ vốn nhiều trong khi chưa thể bán ngay được, phải chờ đợi trong một thời gian dài.
Thị trường chứng khoán đang là cửa đầu tư cũng thu hút được rất nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây, nhất là đối với người trẻ.
Thống kê từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã chứng tỏ điều này: Chỉ trong tháng 6/2021 các nhà đầu tư trong nước tạo mới 140.193 tài khoản chứng khoán, so với tháng 5 đã thêm 26.519 tài khoản. Trong số đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tới phần lớn tài khoản mới với con số 140.054, còn các tổ chức mở mới khoảng 139 tài khoản.
Tổng kết bán niên 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 620.683 tài khoản chứng khoán con số này cao hơn cả năm 2020 và năm 2019 cộng lại. Đây là con số kỷ lục từ trước tới nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sự sôi động của TTCK còn được chứng minh từ số thuế mà Nhà nước nhận được. Cục Thuế Tp.HCM cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, số thu thuế từ lĩnh vực chứng khoán tăng đột biến 221,3%. So với các khoản khác thì tốc độ thu thuế chứng khoán tăng vượt nhiều lần.
Số dư nợ cho vay ký quỹ tăng lên gần gấp 3, đạt gần 110.000 tỉ đồng. Vốn hóa 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM tăng trưởng sốc khi đạt ngưỡng GDP của năm 2020.
Thậm chí, thị trường chứng khoán gần đây đang ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người dân, nhất là trong cảnh đại dịch. Sàn HOSE chỉ trục trặc trong những tháng đầu năm đã kéo theo sự tức giận của các nhà đầu tư, họ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc bảo vệ quyền lợi. Lùm xùm cho thấy chứng khoán đang là lĩnh vực đầu tư ngày càng "hot" và có sức ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của nhiều người dân.
Theo Doanh nhân Việt Nam