Theo báo cáo mới đây từ Tổng Cục Thống kê (GSO), tính đến 20/9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17%. Con số này cao gấp 1,4 lần mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước là 4,99% nhưng vẫn thấp hơn so với trước đại dịch (năm 2019 tăng trưởng nửa đầu năm đạt 7,4%).
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Bên cạnh đó, tổng phương tiện thanh toán ghi nhận tăng 4,95% so với cuối năm 2020. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng 9 tháng đầu năm tăng 4,28%, thấp hơn nhiều so với mức huy động cùng kỳ năm 2020 là 7,48%.
Báo cáo cho biết từ thời điểm giữa tháng 7, các NHTM lớn đã giảm lãi suất cho vay đối với những khoản dư nợ hiện hữu để hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 4,5%/năm.
Từ cuối tháng 8, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm mức lãi suất huy động trong bối cảnh ngân hàng dồi dào thanh khoản và tín dụng tăng chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo đó, lãi suất tiền gửi bình quân bằng VND của NHTM trong nước ở mức 0,1% - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3% - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng
Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, mức lãi suất là 4,2% - 5,7%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng là 5,4% - 6,8%/năm và kỳ hạn trên 24 tháng là 6,1% - 6,9%/năm.
Trên thị trường ngoại hối, diễn biến thị trường và tỷ giá USD/VND nhìn chung ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt. Đồng thời thanh toán không dùng tiền mặt cũng được đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng đầu năm tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%.
Theo kinh tế chứng khoán