Thêm nhiều nạn nhân tố cáo
Thời gian gần đây, Báo Đầu tư có loạt bài phản ánh về các sàn ngoại hối (forex) bẩn lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Tại Việt Nam, môi giới của các sàn này hoạt động trá hình dưới vỏ bọc là công ty truyền thông, công ty marketing. Sau khi các bài viết được đăng tải, Báo Đầu tư tiếp tục nhận được đơn tố cáo của nhiều nạn nhân của các sàn bẩn này.
Anh Nguyễn Văn T. (Hà Nội) cho hay, tháng 8/2020, anh được một người tự xưng là Trường - nhân viên môi giới của sàn United Market (UTD) - dụ dỗ đầu tư hơn 10.000 USD vào sàn này, khẳng định chỉ cần giao dịch theo lệnh của kỹ thuật viên tại đảo Síp (tên Toàn) là sẽ lãi gấp 2 - 3 lần tài khoản.
Tuy nhiên, sau khi anh nạp tiền vào tài khoản, kỹ thuật viên tên Toàn thường xuyên tư vấn sai, khiến anh T. thua lỗ. Sau đó, anh T. giao dịch ngược với tư vấn của kỹ thuật viên và có lời. Khi anh quyết định đóng lệnh, yêu cầu rút tiền, thì nhân viên sàn liên tục gọi điện thúc ép, chửi bới, đe dọa không cho anh rút tiền, yêu cầu phải đánh thêm cho đủ khối lượng lệnh vàng, bạc thì mới cho rút.
Quá bức xúc, anh T. lên các diễn đàn nhờ tư vấn và biết được đây là sàn lừa đảo và quyết định dừng giao dịch, toàn bộ số tiền còn lại của anh trong tài khoản đến nay vẫn chưa thể rút ra.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Nh. (Hải Dương) cũng đang rất bức xúc vì bị sàn Obtrend (On Best Trend) lừa đảo. Chị Nh. cho biết, chị được một môi giới tên là Điệp mời chào đầu tư trên sàn này với lợi nhuận hấp dẫn, nạp tiền ngay sẽ được thưởng 20%, có thể rút tiền bất kỳ lúc nào.
Phấn khích vì khoản thưởng lớn, chị Nh. ngay lập tức nạp 15.000 USD để giao dịch. Sau đó, một kỹ thuật viên của sàn (tự xưng là đang ở Cộng hòa Séc) tư vấn sai, không cắt lỗ, khiến tài khoản chị bị âm nặng. Tiếp đó, môi giới và kỹ thuật viên liên tục hối thúc chị nạp thêm 10.000 USD để cứu tài khoản.
Đến khi cháy tiếp 5.000 USD, chị Nh. bừng tỉnh, muốn rút 5.000 USD, thì sàn yêu cầu đánh lệnh cuối mới cho rút. Ngay khi chị đặt lệnh giao dịch, sàn lập tức nâng hàng trăm lần phí giao dịch qua đêm, khiến tài khoản của chị bay hơi sạch sẽ. Đây cũng là chiêu thức quen thuộc của các sàn forex lừa đảo đã được Báo Đầu tư cảnh báo trước đó.
Đang tồn tại đường dây forex lừa đảo cực lớn tại Việt Nam
Viết đơn tố cáo tới Báo Đầu tư, anh Nguyễn Văn Hưng (trú tại phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM) cho hay, tháng 9/2020, anh bị sàn Bullaim lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 200.000 USD.
Thế nhưng, sau khi bị lừa, anh Hưng lần tìm và được biết, Bullaim chỉ là một trong hệ thống sàn forex bẩn có quy mô cực lớn tại Việt Nam, bao gồm các sàn United market (Utdmarket.com), UTspot (Utspot.com), Bullaim.com, On Best Trend (obtrend.com), Bull Bear Market (bbmtrade.com)…
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư, cả 5 sàn này đều mới thành lập và đi vào hoạt động năm 2019, địa chỉ thành lập giống hệt nhau, đều ở quần đảo Marshall - thiên đường trốn thuế và lừa đảo tài chính. Giao diện, ngôn ngữ thiết kế của các sàn này cũng gần như nhau, đều sử dụng chung hệ thống sever ảo mua của Amazon.
“Thực chất, cả 5 sàn trên cùng một sever, cùng sở hữu chung hệ thống dữ liệu và đứng sau là một nhóm người Việt. Tôi phát hiện ra điều này khi tạo tại khoản liên tiếp cùng lúc tại 5 sàn trên thì được dãy số tài khoản D nối tiếp nhau, từ 5025719 đến 5025723. Thậm chí, các thông báo gửi vào mail về việc mở tài khoản cũng giống hệt nhau. Hơn nữa, ngay sau khi tôi gửi thông tin mở tài khoản tới sàn, môi giới tại Việt Nam ngay lập tức nắm được. Điều đó cho thấy, môi giới và sàn thực chất là cùng một nhóm. Theo như hình ảnh mà môi giới nhắn nhầm cho tôi, có thể thấy, Utdmarket là sever gốc, còn Bullaim, Obtrend, UTspot, Bbmtrade là các server phụ thuộc. Việc môi giới có được thông tin sever và tài khoản khách hàng chứng tỏ hệ thống này được điều hành trực tiếp tại Việt Nam”, anh Hưng khẳng định.
Theo nhiều nhà đầu tư khác, tại Việt Nam, sàn UTspot được trá hình dưới vỏ bọc là Công ty Modena Marketing hiện hoạt động rất bí hiểm với nhiều bảo vệ tại tầng 12, số 538 - Cách mạng tháng 8, quận 3, TP.HCM. Logo trong trụ sở Công ty cũng trùng với logo trên trang đăng nhập của UTspot.
Tương tự, sàn Utdmarket tại Hà Nội có vỏ bọc là Công ty Jamilla Marketing (Tòa nhà CTM Complex, số 139 - Cầu Giấy), tại Đà Nẵng là Công ty Marina Marketing (174 - Lê Đình Lý, quận Hải Châu, Đà Nẵng)…
Khi nhà đầu tư tìm đến, các công ty này đều phủ nhận là môi giới sàn forex, thậm chí còn thách thức nhà đầu tư báo công an. Tuy vậy, nhiều công ty vẫn để lộ dấu vết khi chưa kịp gỡ bỏ logo của sàn.
Theo phản ánh của rất nhiều nhà đầu tư của 5 sàn, chiêu bài quen thuộc của các sàn là dụ nhà đầu tư nộp tiền, tư vấn sai để nhà đầu tư đánh “cháy” tài khoản nhằm chiếm đoạt tiền. Trong trường hợp nhà đầu tư muốn rút tiền, sàn lấy lý do giao dịch chưa đủ khối lượng để bắt nhà đầu tư giao dịch tiếp và nâng phí giao dịch hàng trăm lần để làm “cháy” tài khoản.
“Cả 5 sàn trên đều có dấu hiệu rõ ràng về can thiệp hệ thống, chiếm đoạt tài sản khách hàng. Người chơi tưởng lệnh của mình đã được sàn gửi đi, song thực tế là sàn ôm lệnh, những người không nghe tư vấn của sàn và có lãi sẽ bị dở trò ngay lập tức, không cho rút. Trong khi đó, môi giới lặn mất tăm, các số điện thoại, email liên hệ trên trang web của sàn đều không thể liên hệ, không có phản hồi. Có một điều lạ là, tuy các sàn này hoạt động không công khai, nhưng việc tuyển dụng diễn ra liên tục, số lượng môi giới của Utspot theo quan sát của tôi không dưới 60 người, thường xuyên bị nhà đầu tư phản ánh với công an trên địa bàn, nhưng lại không hề bị xử phạt”, anh Hưng bức xúc nói.
Hiện mỗi các sàn forex bẩn tại Việt Nam đều thu hút hàng trăm lượt người tham gia. Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ bỏ vào các sàn này từ 10.000 đến 200.000 USD. Như vậy, số tiền mà đường dây sàn forex bẩn này chiếm đoạt của nhà đầu tư Việt đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài hệ thống 5 sàn bẩn có chung chủ như trên, nhiều nhà đầu tư còn đặt nghi vấn, nhiều sàn forex bẩn khác như Kawamex, Tradecmx, ASM, Rosyfx… cũng có thể do một nhóm người đứng sau, nhắm vào nhà đầu tư Việt. Cụ thể, các sàn forex này đều được thành lập tại đảo Saint Vincent và Grenadines - một quần đảo từng là thuộc địa của Anh và cũng là thiên đường trốn thuế.
Điểm chung của các sàn này là không có giấy phép, lượng truy cập rất thấp và chủ yếu đến từ Việt Nam, lực lượng môi giới chào mời đông đảo, sử dụng đòn bẩy lớn… Như vậy, hiện có ít nhất hơn chục sàn forex bẩn được lập ra chủ yếu để lừa đảo nhà đầu tư Việt Nam và số tiền mà các nhà đầu tư bị hệ thống sàn bẩn này chiếm đoạt chắc chắn đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Bộ Công an khuyến cáo, khi bị các sàn forex lừa đảo, người dân nên thu thập chứng cứ, gửi đơn tố cáo đến công an địa phương. Trường hợp công an quận, huyện không xử lý được, thì sẽ tập hợp lên công an tỉnh và công an tỉnh sẽ gửi về Bộ Công an để xử lý.
Trên một diễn đàn về đầu tư forex, một nạn nhân của sàn Utdmarket chia sẻ kinh nghiệm đòi tiền và khuyến cáo nhà đầu tư mạnh dạn báo công an khi bị sàn lừa đảo, không cho rút tiền.
Cụ thể, sau khi sàn forex không cho rút tiền, nhà đầu tư này đã truy tìm người môi giới, đến tận nhà, lấy chứng minh thư của người này, chụp ảnh rồi báo công an. Ngay ngày hôm sau, sàn gọi điện và thông báo cho anh được phép rút tiền.
Theo nạn nhân trên, trường hợp của anh khá thuận lợi vì có người quen làm công an, nên việc xử lý được nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu kiên trì thu thập bằng chứng, kêu gọi nhiều nạn nhân cùng tham gia tố cáo, thì nhà đầu tư vẫn có cơ hội lấy lại được tiền.
Các sàn forex lừa đảo nở rộ tại Việt Nam, chủ yếu đánh vào lòng tham của người dân. Nhà đầu tư tham gia các sàn này vừa là nạn nhân, song cũng vừa là người vi phạm pháp luật. Dù vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là cơ quan chức năng phải vào cuộc truy quét mạnh mẽ. Nếu không, quy mô của các sàn lừa đảo này sẽ lên tới hàng ngàn tỷ đồng.