Ảnh minh họa |
Lãi suất giảm ở cả hai chiều
Dù mới chỉ ở những ngày đầu tháng 7/2020 nhưng thị trường đã ghi nhận nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất ở cả hai chiều huy động và cho vay. Đối với lãi suất huy động, với nhóm NHTM Nhà nước, Vietcombank giảm mạnh lãi suất huy động VND với mức giảm từ 0,4-0,5% so với mức lãi suất niêm yết trước đó. Như ở kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng đang ở mức 3,7%/năm, giảm 0,4 điểm % so với trước đó và thấp hơn rất nhiều so với mức trần 4,25%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng cũng giảm xuống 4%/năm… Các kỳ hạn dài hơn từ 12 tháng đến 36 tháng, lãi suất tiền gửi cũng được điều chỉnh giảm mạnh 0,5 điểm % so với trước đó. Mức lãi suất huy động VND cao nhất tại Vietcombank chỉ còn 6,1%/năm thay vì 6,6%/năm trước đó.
VietinBank cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể lãi suất huy động kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm 0,25 điểm % so với tháng trước, từ 4,25%/năm xuống còn 4%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng cũng giảm từ 5,1%/năm xuống còn 4,6%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 12 - 36 tháng và trên 36 tháng cũng giảm 0,5 điểm % về mức 6%/năm. BIDV từ đầu tháng 7/2020 cũng giảm lãi suất huy động ở hầu hết kỳ hạn, lãi suất huy động cao nhất hiện nay chỉ ở mức 6%/năm áp dụng với các kỳ hạn từ 364 ngày và 12 tháng trở lên, giảm 0,5% so với tháng trước…
Ở nhóm NHTMCP, VPBank thông báo giảm lãi suất với tất cả các sản phẩm tiết kiệm và tiền gửi kỳ hạn bằng VND từ 0,3 - 1,1%/năm, áp dụng từ ngày 2/7. Techcombank cũng giảm lãi suất huy động từ ngày 2/7. Theo đó với các kỳ hạn dưới 6 tháng, hiện Techombank đang áp mức lãi suất huy động cao nhất chỉ là 3,95%/năm và thấp nhất là 3,4%/năm. Sacombank cũng điều chỉnh lãi suất từ ngày 2/7, đối với khoản tiền gửi bằng VND lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn 3,9 - 4,05%/năm…
Với lãi suất cho vay, BIDV ra thông báo giảm thêm 0,5% lãi vay từ 1/7. Đây là lần thứ 3 BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay kể từ đầu năm, với mức giảm từ 2,5%-3%/năm so với thời điểm trước dịch Covid-19. Agribank cũng vừa giảm lãi suất cho vay lần thứ ba đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn tối thiểu chỉ là 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm.
Không chỉ các NHTM Nhà nước, các ngân hàng cổ phần cũng giảm mạnh lãi suất cho vay để kích thích nhu cầu tín dụng. Đơn cử ABBank lần thứ 3 giảm lãi suất gói vay cá nhân xuống còn từ 6,8%/năm từ thời điểm giữa tháng 6 cho khách hàng với gói “Vay ưu đãi - Lãi an tâm”. Ở gói “Vay kinh doanh - Phát tài nhanh” kéo dài đến hết 31/12, nhà băng này áp dụng mức lãi suất mới giảm từ 7,5%/năm xuống còn 7%/năm.
Theo chuyên gia, nguyên do dẫn tới việc lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng được điều chỉnh giảm do hiện tại thanh khoản của các NHTM khá dồi dào. Đây là hiện tượng bình thường bởi thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho nhiều DN, khiến nhu cầu tín dụng sụt giảm mạnh. Vì thế tăng trưởng tín dụng khá thấp, tính tới 19/6 tín dụng chỉ đạt mức 2,45% - mức tăng thấp nhất thời điểm 19/6 giai đoạn 2016-2020. Tín dụng tăng chậm trong khi thanh khoản dồi dào đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất huy động và cơ cấu lại nguồn vốn. Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chủ trương của Chính phủ và NHNN vẫn là tiếp tục nỗ lực để giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Không nhiều áp lực từ lạm phát
Nhìn vào xu hướng hiện nay, chuyên gia nhận định diễn biến lãi suất từ nay cho tới cuối năm sẽ theo chiều hướng giảm chứ khó mà tăng được. Vấn đề đặt ra là nếu lãi suất thấp như vậy thì sẽ ảnh hưởng ra sao tới nguồn huy động?
Nhìn nhận một cách khách quan, hiện tại ngoài kênh vàng thì những kênh đầu tư khác chưa đủ sức hấp dẫn người gửi tiền. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chứng khoán vẫn lình xình ở mức 850 điểm; bất động sản vẫn không có mấy khả quan.
Tuy nhiên, việc giá vàng liên tục biến động mạnh trong thời gian vừa qua khiến cho việc đầu tư vào vàng cũng đầy rủi ro và chỉ dành cho những nhà đầu tư hiểu biết. TS. Hiếu hiện diễn biến giá vàng vẫn rất khó lường, nên người gửi tiền ngân hàng vẫn ít có khả năng rút tiền ra đầu tư vào các kênh khác.
Đối với áp lực lạm phát lên lãi suất, chuyên gia nhận định không có quá nhiều lo lắng. Dù thực tế bình quân 6 tháng, CPI tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Nguyên do thời gian vừa qua giá dầu có một vài lần điều chỉnh tăng, giá thịt lợn vẫn đứng ở mức cao… Tuy vậy, từ nay tới cuối năm, tình hình thế giới còn rất khó dự đoán. Nếu kinh tế thế giới đi vào tình trạng tăng trưởng âm như dự báo của nhiều tổ chức kinh tế thế giới thì theo chuyên gia tài chính, điều này không đủ lực đẩy CPI lên quá 4%.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cũng chia sẻ, với việc lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 3,17%, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 sẽ đạt được nếu CPI trong các tháng còn lại của năm tăng trung bình dưới 0,6%/tháng.
Định hướng tăng trưởng tín dụng của năm nay được NHNN đưa ra là ở mức 11-14% nhưng đây chỉ là chỉ tiêu mang tính định hướng. Việc tín dụng tăng nhanh hay chậm, liều lượng ra sao phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là trong thời điểm quá khó khăn như những tháng vừa qua. “Với việc Việt Nam đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh, nền kinh tế bắt đầu đi vào giai đoạn hồi phục thì tăng trưởng tín dụng có khả năng đạt được ở mức 10% là đã rất thoả mãn rồi”, chuyên gia chia sẻ.
Theo Thời báo Ngân hàng