Đây là số liệu được bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tại Toạ đàm: “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế”. 1 tháng trước (29/10), dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới chỉ đạt 8,72%.
Theo bà Hằng, ngay tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã cho biết về kế hoạch cân nhắc lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như đã đề cập trong Thông tư 08/2020-NHNN. Dù tỷ lệ này hiện tại không còn đáng lo ngại khi hầu hết ngân hàng thương mại đều đáp ứng mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, việc lùi thời điểm áp dụng thông tư sẽ phần nào giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, đặc biệt các dự án vay vốn trung-dài hạn xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án cao tốc Bắc - Nam.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, với việc nới thêm từ 1 - 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Theo đánh giá của bộ phận phân tích Chứng khoán SSI, điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong điều kiện một số ngân hàng thương mại đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm. SSI Research cho rằng tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới dự kiến vào khoảng 13%.
Tín dụng thời gian vừa qua tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, cung ứng vốn đầy đủ kịp thời cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng
Về lãi suất, theo bà Hằng, mặt bằng lãi suất đã giảm so với năm 2020 khoảng 0,5-0,7% là mức giảm khá lớn, so với các nước trong khu vực, Ngân hàng Nhà nước đã có sự điều chỉnh mạnh trong năm 2020.
Với bối cảnh lạm phát năm 2021, việc tiếp tục hạ lãi suất huy động thời gian tới thực sự không khả thi, có thể gây xáo trộn lớn cho nguồn vốn, ảnh hưởng đến thanh khoản toàn hệ thống.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Ở góc độ lãi suất thị trường hiện nay khá thấp, quan ngại của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hệ thống nên việc điều hành lãi suất thời gian tới đảm bảo hài hòa.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ ngành xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới, về nguồn lực đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định đối tượng cụ thể tiếp cận hỗ trợ lãi suất, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ xác định nguồn lực, trên nguyên tắc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn.
Về rủi ro lạm phát, Ngân hàng Nhà nước dự kiến năm 2022 có áp lực lớn do độ mở của nền kinh tế và áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu. IMF, các tổ chức quốc tế đã có cảnh báo khoảng 3,5-4%, rủi ro lạm phát vượt 4% sẽ phụ thuộc giá cả thế giới.
Lạm phát ở các nước phát triển đang ở mức kỷ lục nên Ngân hàng Nhà nước phải chuẩn bị các kịch bản cần thiết.
Theo Tài chính doanh nghiệp