ĐI TÌM LỜI GIẢI DOANH NGHIỆP LAO ĐAO MÙA DỊCH COVID-19, NGÂN HÀNG `LÃI KHỦNG`

NHVN 11:44 24/07/2021

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế tiếp tục phải hứng chịu những tác động nặng nề bởi dịch COVID-19, bằng chứng là có tới 90% doanh nghiệp du lịch không hoạt động, 10% cầm chừng.

Xuất khẩu dệt may lần đầu tăng trưởng âm; đặc biệt vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng, Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ phá sản, Bamboo, Vietjet thiếu hụt tài chính… Nhưng nghịch lý là cũng trong cùng khoảng thời gian trên nhiều nhà băng đua nhau báo “lãi khủng”.

CỤM TỪ "NGUY CƠ PHÁ SẢN" ĐƯỢC NHẮC ĐẾN NGÀY CÀNG NHIỀU
Số liệu từ Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, trong nửa đầu năm nay có 35.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đầu năm đến nay chắn chắn phải nhắc đến ngành du lịch. Gần đây, cụm từ “nguy cơ phá sản” được nhắc đến ngày càng nhiều trong ngành này. Các doanh nghiệp điêu đứng vì không có doanh thu nhiều tháng qua, nhưng vẫn phải chịu áp lực khủng khiếp với hàng loạt chi phí lương, vận hành, lãi ngân hàng, tiền thuê đất, thuê mặt bằng…, đặc biệt là những khoản lãi vay và nợ gốc tích tụ ngày càng lớn.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), các doanh nghiệp trong ngành đã cố gượng dậy sau năm 2020, kỳ vọng vào dịp Tết 2021 thì dịch bệnh lại bùng phát. Lượng khách đặt tour dịp Tết 2021 giảm mạnh, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch gặp khó khăn về tài chính, không có doanh thu, kiệt quệ.

Thống kê từ VITA cho thấy, có tới 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc. Đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương. Các doanh nghiệp này đang cố gắng kích cầu nội địa để duy trì việc làm cho bộ phận nhân sự chủ chốt.

Bên cạnh khó khăn dịch bệnh, VITA cho rằng quy định doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải ký quỹ 500 triệu, giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bị áp giá điện dịch vụ đang khiến doanh nghiệp trong ngành khó khăn hơn.

Hứng chịu thiệt hại không kém gì ngành du lịch là ngành hàng không, mới đây, trong Dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5-65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019. Trong đó Vietnam Airlines hiện có số nợ phải trả lên đến 6.240 tỷ đồng và dự kiến lỗ tới 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu 2021.

Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020, tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không.

Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.


Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư, dịch COVID-19 đã khiến ngành dệt may Việt Nam lần đầu tiên tăng trưởng âm 10,5% trong 25 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 chỉ đạt 35 tỉ USD, giảm 4 tỉ USD so với năm 2019.

Đại dịch COVID-19 bùng phát lại đang tác động tiêu cực đến ngành dệt may, thời gian tới ngành dệt may còn khó khăn hơn, doanh nghiệp không còn những đơn hàng cũ, nguồn tiền dự phòng giảm dần. Dự báo nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thì tới quý 2 năm 2022, tiêu cực hơn đến quý 4 năm 2023, ngành dệt may mới phục hồi về ngưỡng năm 2019.

NGÂN HÀNG ĐUA NHAU BÁO LÃI "KHỦNG"
Trái ngược với tình trạng sức khoẻ “hấp hối” của nhiều doanh nghiệp, chỉ trong vòng nửa năm nhiều ngân hàng đua nhau báo lãi “khủng”. Thậm chí, có ngân hàng lãi tới 75, 80% kế hoạch năm - tương đương hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, trong những ngân hàng thuộc nhóm "Big 4" nổi bật với hai ông lớn là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) đều công bố những con số tích cực trong báo cáo tài chính.


Theo đó, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 14.560 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận trong các ngân hàng Việt Nam. Tổ chức tín dụng này đã hoàn thành xong hơn 56% kế hoạch sau 6 tháng về lãi của con số 25.580 tỷ đồng.

Vietinbank ước đạt lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đạt ở mức 13.000 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng thời điểm năm 2020. Đặt trên bàn cân của chỉ tiêu lợi nhuận 16.800 tỷ đồng trong năm 2021 thì ngân hàng thương mại này đã hoàn thành hơn 75% kế hoạch đã đề ra.

Báo cáo tổng kết đến hết quý 2/2021 của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) cho thấy thu nhập từ hoạt động của MB tăng 35,8% đạt hơn 8.924 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm thì tăng 40% đạt hơn 18.117 tỷ. Tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất quý vừa qua tăng 16,5% đạt 3.406 tỷ đồng, 6 tháng tăng 56% đạt 7.986 tỷ.

Nhóm ngân hàng tư nhân cũng ghi nhận những kết quả kinh doanh tươi sáng trong khoảng thời bán niên 2021. Hai tổ chức tín dụng lớn nhất của nhóm này là VPBank và Techcombank cũng đồng loạt công bố kết quả với những con số ấn tượng. Techcombank thông báo đạt 11.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó, VPBank cho biết đã đạt được 9.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, ngân hàng mẹ đem về phần lớn lãi với tỷ lệ đến 88%.

Một ngân hàng khác là MSB cũng dự báo lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.


Tại LienVietPostBank cũng tiết lộ lợi nhuận 5 tháng đầu năm đã đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, tính ra bình quân mỗi tháng lãi khoảng 370 tỷ đồng. Nếu đà này được duy trì trong tháng 6 thì lợi nhuận của LienVietPostBank 6 tháng đầu năm sẽ khoảng 2.000 tỷ đồng, bằng 80% so với kết quả của cả năm 2020.

Tính đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng 5,1% so với cuối năm 2020, cao gấp đôi so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020 (2,26%). Nhiều ngân hàng chưa hết 6 tháng đã dùng gần hết hoặc hết room tín dụng tăng trưởng của cả năm và đang xin NHNN cấp cho room mới.

CÓ GÌ ĐÓ KHÔNG ỔN?
Nói về nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, lợi nhuận ngân hàng đến từ rất nhiều nguyên nhân và là kết quả kết tinh từ một quá trình nỗ lực lâu dài, trong đó có cả việc chịu sự dồn nén từ rất nhiều năm trước khi phải tích góp, thắt lưng buộc bụng để xử lý dự phòng rủi ro, đảm bảo đưa tỷ lệ nợ xấu xuống trong phạm vi cho phép và dành nhiều nguồn lực cho đầu tư công nghệ. Lợi nhuận đó là hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực không mệt mỏi của các tổ chức tín dụng trong chặng đường dài từ năm 2008 tới nay.

Tuy nhiên, trả lời báo chí ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, lại tỏ ra khó hiểu trước con số lợi nhuận hàng chục nghìn tỷ đồng từ các ngân hàng. Theo ông Hưng, ngân hàng và khách hàng doanh nghiệp có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra tình trạng giãn cách ở nhiều tỉnh thành, trong đó có TP.HCM, thì ngoài những doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm, xuất khẩu gỗ là còn hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp còn lại, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, gần như đóng cửa, phải “ăn” hết vào phần tích lũy khi tình hình dịch COVID-19 cứ kéo dài. Trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp mòn mỏi chờ những chính sách “giải cứu”, giảm thuế, giảm lãi suất... mà ngành ngân hàng vẫn lãi lớn là có gì đó không ổn.

Ông Hưng phân tích, có 2 vấn đề cần xem xét là dòng tiền ngân hàng chảy vào đâu sinh lời nhiều trong thời gian qua? Cơ cấu tín dụng vào nền kinh tế đã hợp lý hay chưa? Hay vốn chủ yếu vào bất động sản, chứng khoán? Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng hiện nay lớn , NIM 4% là chưa hợp lý mà cần giảm xuống hơn 2%. Gần đây, nhiều ngân hàng đưa ra gói lãi suất cho vay khá thấp chỉ 5%/năm nhưng chỉ có những doanh nghiệp khoẻ, đủ điều kiện mới có thể tiếp cận được. Còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn, không đủ điều kiện thì việc tiếp cận vốn vay đã khó chứ đừng nói đến việc lãi vay thấp.

“Họ chỉ cần cho vay thì cũng có thể chấp nhận mức lãi cao hơn. Doanh nghiệp và ngân hàng là bạn đồng hành, trong khi doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng nên xem xét cắt giảm bớt điều kiện thủ tục, giảm lãi vay cũ để hỗ trợ khách hàng”, ông Hưng nói.

Nhận định về lãi suất trong 6 tháng cuối năm, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm khi tăng trưởng tín dụng đang gia tăng mạnh hơn tăng trưởng huy động khoảng 2%.

Có cùng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tăng trưởng huy động thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn tăng trưởng tín dụng cho thấy một lượng tiền lớn của người dân đã được rút ra để đổ vào chứng khoán và bất động sản.

Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn, lãi suất sẽ có nguy cơ tăng lên, vì ngân hàng buộc phải tăng huy động để cho vay và thường các nhà băng sẽ hút vốn bằng cách tăng lãi suất.

Dù tình hình lãi suất vẫn cho rõ xu hướng tăng hay giảm, nhưng mức lãi suất huy động hiện nay vẫn là thấp so với các năm trước. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, lãi suất cho vay giảm không tương xứng.

Chẳng hạn, với cho vay dài hạn, lãi suất ưu đãi năm đầu từ 8%-8,7%/năm, các năm sau bị cộng thêm biên độ từ 4%- 4,3%/năm, tính ra, lên tới 11,5%-12,5%/năm. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất lớn khiến doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải oằn mình gánh lãi cao.


Nhận định về vấn đề này, ông Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng các ngân hàng hoàn toàn có thể giảm lãi suất cho vay. Cụ thể ở đây là đối với những hợp đồng vay cũ bởi những năm trước đi vay, doanh nghiệp không hề tính đến tình cảnh dịch COVID-19 gây khó khăn như hiện nay. Gánh nặng tài chính của các doanh nghiệp gia tăng khi dịch COVID-19 cứ kéo dài. Vấn đề ở đây ngân hàng có quyết tâm giảm lợi nhuận để giảm lãi vay hay không. Mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng cũng đã được điều chỉnh giảm từ hơn 1 năm trở lại đây, người gửi tiền chịu thiệt lãi suất thấp nhưng ngân hàng cho vay ra cao và thu lợi lớn là ích kỷ. Các ngân hàng thương mại nỗ lực giảm lãi suất cho vay xuống thấp hơn, mở rộng tín dụng mới chứ không thể kiếm lời từ những khách hàng đã vay cũ. Từ đó mặt bằng lãi vay mới có thể điều chỉnh giảm.

MONG MUỐN NGÂN HÀNG ĐỒNG HÀNH ĐƯA DOANH NGHIỆP VƯỢT KHÓ
Chuyên gia Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo của BIDV, cho biết rất nhiều người đã hỏi ông câu này, cả báo giới và Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Lực, báo cáo lợi nhuận của hệ thống ngân hàng chưa phản ánh đầy đủ, bởi vì vào cuối năm các ngân hàng mới trích lập đủ dự phòng rủi ro, khi đó các khoản lãi sẽ giảm.

“Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng chưa phải chuyển nhóm nợ với các khoản nợ cơ cấu lại, khoảng 357.000 tỉ, để cho DN tiếp cận được vốn vay. Đó là chính sách tôi cho là khá nhân văn. Ngân hàng Nhà nước đã bàn với Bộ Tài chính 5 tháng trời để đặt vấn đề có phải trích lập dự phòng rủi ro cho số nợ này không, và câu trả lời là có, sẽ phải trích lập 40.000 - 44.000 tỉ đồng cho nợ xấu tiềm ẩn, nên số tiền này sẽ trừ đi từ lợi nhuận của hệ thống ngân hàng”, ông Lực cho biết và cho rằng “hiện lãi suất không phải là điểm nghẽn”.

“Chưa bao giờ lãi suất hấp dẫn như bây giờ. Nếu giảm nữa có 2 hệ lụy. Một là lạm phát. Tín dụng của chúng ta tăng trưởng đều 14,4%/năm, cao nhất khu vực châu Á. Thứ hai là đồng tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh. DN sẽ cố đi vay, nhưng không đầu tư, vì đầu ra có đâu. Họ sẽ đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, và 5 năm nữa chúng ta sẽ chịu hệ lụy. Một số DN đã đi vay chỗ này vì được hưởng chế độ khách hàng A - vay lãi suất 5%, để đi gửi chỗ khác 7%, là ngồi mát ăn bát vàng. Giảm lãi suất không phải là bài toán thông minh”, ông Lực nói.

Trao đổi với Doanh Nhân Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc các ngân hàng tự ý cấp tín dụng vượt hạn mức được phép có tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước ở cả 2 mặt tiêu cực và tích cực.

Về hướng tích cực khi tín dụng ngân hàng tăng trưởng mạnh, nghĩa là đã cung cấp 1 nguồn vốn cho nền kinh tế. Dư nợ tín dụng của ngân hàng chiếm một tỷ lệ lớn lên đến 150%GDP là rất cao. Nền kinh tế dựa rất nhiều vào nguồn vốn ngân hàng, bởi lẽ vốn trên thị trường trên thị trường chứng khoán không nhiều, chủ yếu là các nguồn vốn cung cấp từ các ngân hàng không phải từ thị trường chứng khoán. Như vậy các ngân hàng cung cấp vốn cho nền kinh tế là điều tốt. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID đang hoành hành lúc này, các doanh nghiệp đang rất cần vốn. Doanh nghiệp giảm doanh thu và tính thanh khoản, khả năng chi trả của các doanh nghiệp xuống thấp nên nguồn vốn của ngân hàng là nguồn máu mà nền kinh tế cần.

Ở khía cạnh tiêu cực, chuyên gia Hiếu cho rằng, các ngân hàng cho vay mạnh tay trong lúc này rất nguy hiểm, vì lúc này sức khỏe của nhiều doanh nghiệp đang suy giảm. Chính vì thế nếu không cẩn thận thì các ngân hàng phải chấp nhận 1 rủi ro cao. Thứ hai, trong lúc này nền kinh tế cần phải có sự chấn chỉnh, tái cấu trúc lại nền kinh tế để nền kinh tế đi vào hoạt động lành mạnh hơn.

“Nếu mà vốn đổ vào nền kinh tế nhiều thì nó có thể chảy vào những cái lĩnh vực đầu cơ vào các tài sản có nguy cơ rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Đó là hiện tượng chúng ta thấy trong thời gian vừa qua chứng khoán lên rất mạnh, do việc người ta rút tiền ra đầu tư vào chứng khoán và việc ngân hàng mạnh tay cho vay. Thế thì thật sự ra tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán là nhỏ nhưng không nói lên được điều gì cả, rất nhiều người vay tiền ngân hàng vay với mục đích khác không phải đầu tư chứng khoán thế nhưng mà họ sử dụng vào đầu tư chứng khoán và đẩy lượng tiền vay ngân hàng đổ vào chứng khoán nhiều tuy nhiên nó không có nghĩa lý gì, nó không phải con số thực tế”.

“Vì thế nó đẩy chứng khoán lên, chứng khoán mấy ngày hôm nay nó xuống rất mạnh thành ra lo ngại, dòng tiền chảy nhiều vào nền kinh tế không vào sản xuất kinh doanh mà vào hoạt động đầu cơ có thể tạo ra bong bóng, khủng hoảng về kinh tế. Thành ra tiêu cực, các ngân hàng đổ tiền vào nền kinh tế cho các hoạt động đầu cơ”.,Chuyên gia Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ, thay vì kiểm soát các ngân hàng bằng các hạn mức tín dụng thì bỏ cái hạn mức tín dụng đó đi. Không cần kiểm soát ngân hàng bằng hạn mức tín dụng bởi các ngân hàng sẽ tăng cái room tín dụng lên, nhưng tăng cái room tín dụng lên cũng không thể đảm bảo việc ngân hàng cho vay sản xuất kinh doanh, mà ngân hàng cho vay vào lĩnh vực đầu cơ vào tài sản, tài chính. Hạn mức tín dụng cần có cho tất cả nền kinh tế, giống như trước đây ngân hàng nhà nước đưa ra một cái hạn mức tăng trưởng tín dụng 12, 14% toàn hệ thống.

Ngân hàng nhà nước sẽ dùng tất cả các công cụ, chính sách tiền tệ để điều chỉnh từ lãi suất, tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc, tất cả các công cụ của chính sách tiền tệ để điều chỉnh làm sao mà nền kinh tế, tín dụng tăng trưởng của nền kinh tế trong mức ngân hàng nhà nước mong muốn. Nhưng với riêng mỗi ngân hàng thì, mỗi ngân hàng nhà nước kiểm soát bằng cách các chỉ tiêu của chính sách tiền tệ, chỉ tiêu của luật tổ chức tín dụng. Trong đó, có các chỉ tiêu như là an toàn vốn 8%, tỷ lệ cho vay trên huy động 80%, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay chung vào dài hạn hiện tại là 40% đến cuối tháng 9 này xuống còn 37% và tất cả các tỷ lệ khác nữa. Dùng các tỷ lệ đó để kiểm soát các ngân hàng, nếu ngân hàng nào đáp ứng được tất cả các chỉ tiêu đó thì họ có tăng trưởng 20% hay hơn nữa vẫn là tốt vì họ tuân thủ các chỉ tiêu đó, họ hoạt động một cách lành mạnh, họ đẩy vốn và sản xuất kinh doanh mà họ tăng trưởng hơn nữa thì đó cũng là điều tuyệt vời.

“Trong khi mình làm ngược lại, mình chặn ở ngọn bằng cách giao chỉ tiêu cho các ngân hàng như anh này 14%, anh kia được 18%,… mình chặn ở ngọn nhưng gốc ý họ cho vay như thế nào thì mình không kiểm soát được chặt chẽ. Thành ra, tôi thì đi ngược lại kiểm soát ở ngân hàng phải cho vay lành mạnh, ngọn là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn ngành”., Chuyên gia Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chuyên gia kinh tế Hiếu nhận định về khả năng xảy ra bong bóng tài chính. Bởi lẽ, nếu các ngân hàng mà đẩy mạnh tín dụng vào hoạt động họ không kiểm soát được như hoạt động đầu cơ, chắc chắn tạo ra bong bóng. Trong khi nền kinh tế nước ta năm ngoái GDP chỉ tăng có 2,91%, còn 6 tháng đầu năm là 5,68%. Trong tình trạng hiện nay, mọi người đều biết dịch bệnh nó đang hoành hành, cả nước, trong tình hình khó khăn như thế này mà chứng khoán tăng gấp đôi so với năm ngoái sang năm này là một cái điều mà không dựa trên cơ sở kinh tế mà nó dựa trên sự đầu cơ của các nhà đầu tư. Chính vì thế, tiền mà cứ đổ vào chứng khoán thế này thì một lúc nào đó sẽ tạo ra bong bóng. Khi bong bóng hình thành mà nó vỡ ra thì sẽ tạo ra khủng hoảng cho nền kinh tế. Thành ra hiện tại, chứng khoán đang tăng trưởng có điều chỉnh thì sẽ rất tốt.

Nghịch lý lỗ lãi trên thị trường trở thành tâm điểm, chính đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng thừa nhận doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn và tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường là do sức chống chịu không còn.

Cũng với lý do trên mới đây, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có văn bản gửi đến Chính phủ đề xuất về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Đại dịch COVID-19.

Theo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp trong hơn 1 năm rưỡi qua đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp đã đến hạn trả gốc và lãi ngân hàng, song không có khả năng trả đúng hạn. Theo quy định, nếu không trả gốc và lãi đúng hạn, doanh nghiệp sẽ bị xem xét đánh giá xếp hạng tín dụng. Như vậy, khó khăn sẽ càng chồng chất. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ phá sản, hàng loạt lao động sẽ mất việc làm.

Do vậy, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, có đề nghị giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp 2%/năm trong ít nhất 1 năm, đồng thời, giảm lãi suất cho các khoản vay mới thêm từ 1,5-2%/năm.


Đáp lại lời “cầu cứu” của doanh nghiệp, ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và 12 ngân hàng thương mại cổ phần xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và khả năng chống chịu ngày càng suy giảm khi dịch bệnh kéo dài. Vì vậy, năm 2021 này vẫn cần những hỗ trợ tích cực và trách nhiệm hơn từ tất cả ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

"Hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng, cho cả hệ thống ngân hàng và cho toàn bộ nền tài chính quốc gia. Hệ thống ngân hàng tiếp tục thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, doanh nghiệp, xã hội bằng những hành động cụ thể, chương trình hành động cụ thể, sẽ được Thống đốc NHNN ban hành trong thời gian tới với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để toàn ngành triển khai thực hiện. Đồng thời, giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021 này", ông Tú chỉ đạo.

Thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước chiều 12/7, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với lãnh đạo 16 ngân hàng gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB và HDBank để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021.

Tại cuộc họp, các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 2,5% cho từng khoản vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất sẽ thực hiện sớm trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.

Liên quan đến vấn đề trên tại cuộc họp giao ban thường kỳ của Trung ương Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam vừa diễn ra ngày 20/7, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) cũng nhận định, hiện doanh nghiệp khối ngân hàng đang kinh doanh rất tốt, trái ngược hoàn toàn với khó khăn của các doanh nghiệp khác. Cụ thể, các doanh nghiệp khối ngân hàng có doanh thu cao gần như gấp đôi doanh thu so với cùng kỳ các năm trước.

Qua đó, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều bày tỏ mong muốn các ngân hàng sẽ đưa ra các gói hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này để cân bằng lại cán cân kinh tế giữa các doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Trong đó, chú trọng triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động.

Thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19. Phát huy vai trò các quỹ về hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay một cách thực chất; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động, tích cực huy động vốn, giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách.

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/nghich-ly-doanh-nghiep-lao-dao-ngan-hang-lai-khung-35883.html?fbclid=IwAR3Ge-R-08mH92UF_wk-QANQbiAftzVqRtU_xe0FUYKHZC3zYYcgRCjuz9I

Bạn đang đọc bài viết ĐI TÌM LỜI GIẢI DOANH NGHIỆP LAO ĐAO MÙA DỊCH COVID-19, NGÂN HÀNG `LÃI KHỦNG` tại chuyên mục Tài chính doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính doanh nghiệp