Lao đao vì dịch
Hàng năm, quý hai là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp mới quyết định gia nhập thị trường, còn doanh nghiệp đang hoạt động lên phương án tăng tốc sản xuất, kinh doanh thực hiện các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch. Tuy nhiên, kể từ tháng 4 năm nay, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid 19 diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước.
Trong đợt dịch COVID – 19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, dự báo số doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc phá sản sẽ tăng cao khó lường, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn do tính hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nay bị bế quan tỏa cảng sẽ gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất sẽ tăng nhanh.
Đại diện hầu hết doanh nghiệp cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Những khó khăn có thể kể đến như không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc...
Đa số doanh nghiệp chia sẻ, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền và nhân công. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, nếu như số lao động trong ngành du lịch năm 2019 cả nước là 2,9 triệu người thì kể từ khi dịch COVID bùng phát đến nay, gần 90% đã nghỉ việc hoặc tạm thời ngừng làm việc.
Với thị trường bất động sản, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ suốt gần hai năm qua. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều cổ phiếu bất động sản bị giảm sàn, nằm sàn, các doanh nghiệp đều bị tác động rõ rệt, các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị, bán hàng đều bị hủy bỏ. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị khách thuê trả lại…
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, tình hình ở Hugaco rất căng thẳng, do diễn biến khó lường của dịch, các DN thành viên luôn đặt ở tình trạng báo động cao. Điều khiến lãnh đạo doanh nghiệp thành viên của Hugaco lo lắng nhất là nếu bị phong tỏa nhà máy, sẽ “vỡ” hết tiến độ giao hàng. Đơn hàng hầu hết thanh toán chậm 60 ngày cho nên không giao được hàng sẽ không thể thanh toán tiền gia công, thiệt hại cho phía khách hàng và ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu bày tỏ lo lắng, nếu xảy ra trường hợp doanh nghiệp có công nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 hoặc sống trong vùng bị phong tỏa, không thể sản xuất được, doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Hiện nay, doanh nghiệp dệt may đều đã ký hợp đồng hết quý III/2021, nếu phải phong tỏa, không có công nhân đi làm sẽ kéo theo hệ quả rất tai hại là sản xuất đình trệ, các hợp đồng không thực hiện được đúng hạn, doanh nghiệp mất tiền gia công, mất hợp đồng, mất khách hàng và mất cả uy tín mà doanh nghiệp từng rất khó khăn mới tạo dựng được.
“Do đó, việc tuyên truyền phải được làm thường xuyên từ xưởng sản xuất đến các phòng, ban, Vinatex sẽ tiếp tục duy trì và phát huy tính tự chủ, tự cường, linh hoạt trong chỉ đạo và sản xuất để vượt qua làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư”, Phó tổng giám đốc Cao Hữu Hiếu chia sẻ.
Do tác động của dịch COVID-19, nhà ga hành khách sân bay Nội Bài vắng lặng. Ảnh: Vietnamnet |
Giải pháp đương đầu với đại dịch
Có thể thấy, dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thiết bị và phần mềm iCare, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho hay, Công ty của ông được thành lập hơn một năm và trùng với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở khắp nơi thế giới cũng như trong nước. Do tác động của dịch bệnh nên việc kinh doanh ban đầu liên quan đến thị trường bất động sản gặp khó khăn. Ông Quang đã lựa chọn khởi nghiệp bằng lĩnh vực công nghệ, bởi đây là lĩnh vực sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong bối cảnh này. Với lợi thế về công nghệ sẵn có, ông quyết định cùng các cộng sự đầu tư phát triển sáng chế ra sản phẩm thiết bị và phần mềm theo dõi, bảo vệ sức khỏe iCare.
Công ty CP May 10 đối phó với tác động tiêu cực của dịch COVID-19 bằng cách chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, tăng tỷ trọng áo khoác, áo rét, đồ mặc nhà, sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu...
Đối với ngành hàng không, ngay khi chịu tác động của dịch, Chính phủ đã có chính sách giảm 50% giá cất - hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và tiếp tục gia hạn đến năm 2021; áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ các khó khăn về vốn…
Cuối năm 2020, gói giải pháp hỗ trợ 12 nghìn tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), tuy nhiên tiến độ giải ngân bị chậm. Đến nay, gói hỗ trợ cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) đã hoàn tất toàn bộ hành lang pháp lý cần thiết và dự kiến có thể giải ngân từ tháng 6. Phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (8.000 tỷ đồng) cũng đang được triển khai các bước cần thiết theo quy định và dự kiến sẽ hoàn tất trong quý IV/2021.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp cho 6 tháng cuối năm Uỷ ban Kinh tế đề cập tới là triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động.
Thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19. Phát huy vai trò các quỹ về hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chú trọng các giải pháp tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, sau một năm chịu tác động của dịch COVID-19, tình hình của doanh nghiệp và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Rất nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ được, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác.
Về phía người lao động cũng không thể ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc vì diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và kéo dài, buộc họ phải tìm kiếm việc làm mới tạm thời. Trước thực trạng này, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động cần thay đổi theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển thay vì mục tiêu hỗ trợ thanh khoản để cầm cự như thời điểm một năm trước.
Từ những dẫn chứng trên, ông Cung cho rằng, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng sẽ khiến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả. Các lĩnh vực được lựa chọn khuyến khích hỗ trợ, đầu tư phải là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư để doanh nghiệp bứt lên nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Theo Việt Q