Mới đây, các Hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine nhanh chóng và hợp pháp để tiêm cho người lao động.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn Thủ tướng tiếp tục giao Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, ban hành danh sách các tỉnh/lĩnh vực ưu tiên bố trí nguồn vaccine bên cạnh việc ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, để chính quyền các tỉnh, thành và doanh nghiệp tại các địa phương tính toán chủ động hơn kế hoạch duy trì hoạt động kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đề xuất Thủ tướng quan tâm đặc biệt tới chiến dịch “selftest - tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm” mà Mỹ và các quốc gia châu Âu đã áp dụng; nhằm giúp doanh nghiệp và cả xã hội có thể tiết kiệm khoản chi phí vô cùng lớn so với hình thức xét nghiệm dịch vụ (thậm chí độc quyền bởi các trung tâm y tế tại một số địa bàn) như hiện nay.
Công nhân ngành dệt may. (Ảnh minh họa) |
Được biết, chi phí xét nghiệm PCR hiện dao động từ 700.000 - 1 triệu đồng; chi phí xét nghiệm nhanh trung bình trên 200.000 đồng. Chỉ tính riêng nhóm lái xe vận tải hàng hóa vào khoảng 800.000 người trên cả nước (số liệu ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam), với tần suất xét nghiệm PCR từ 11-15 lần/tháng, chi phí phải bỏ ra của các doanh nghiệp vận tải đã là hàng nghìn tỉ đồng. Chưa kể hàng chục triệu người lao động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác.
Giải pháp trên cũng giúp người lao động tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh khi thường xuyên phải xếp hàng tập trung đông người để đăng ký xét nghiệm, kiểm tra giấy kết quả xét nghiệm...
Tuy nhiên, xung quanh các kiến nghị này đang có một số vướng mắc, chủ yếu ở khâu đàm phán để mua và nhập khẩu vaccine về nước.
Trên thực tế, dù đã rất nỗ lực nhưng nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Nam đã phải ngưng hoạt động vì phát hiện công nhân nhiễm Covid-19 cũng như nhà máy không đảm bảo sản xuất “3 tại chỗ” theo quy định.
Theo Vietnam+, đại diện Ban quản lý một số KCN và chủ doanh nghiệp cho biết, ngay cả khi đã phải dừng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ", việc quản lý, đưa công nhân trở về nơi cư trú cũng gặp nhiều khó khăn do cần phải liên hệ, phối hợp được với chính quyền và y tế địa phương trong việc xét nghiệm, theo dõi, giám sát các trường hợp trở về địa phương để thực hiện việc phòng dịch.
Thậm chí có đưa công nhân trở về nơi cư trú được hay không cũng là vấn đề lớn, khi chính nơi đó cũng đang bị phong tỏa, các tuyến đường trở về bị hạn chế đi lại.
Việc tạm ngưng hoạt động khiến nhiều nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi hoạt động sản xuất bị đứt gãy và chịu gánh nặng tài chính. Nếu tình hình này kéo dài, các doanh nghiệp sẽ khó lòng trụ vững. Vì vậy, chìa khóa để cứu doanh nghiệp chính là vaccine và kiểm soát người lao động thật chặt chẽ.
Theo Kinh tế Môi trường