Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, đóng góp khoảng 45% vào kinh tế đất nước. Chính phủ đã có định hướng phát triển đối với vùng kinh tế này là tập trung vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử, công nghiệp chế biến chế tạo, kinh tế số, tài chính ngân hàng, bất động sản.
Tuy nhiên, hiện vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng do một số nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trong đó phải kể đến hạ tầng giao thông tại TP.HCM nói riêng và cả vùng Ðông Nam Bộ nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí trong hoạt động kinh doanh đối với các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, với nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, cần ưu tiên xây dựng trước các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Mộc Bài; hay các dự án kết nối cửa ngõ với 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ và vùng Ðông Nam Bộ; các tuyến đường vào các cảng biển… nhất là với đặc thù sông nước nhiều, nên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần cải thiện hệ thống luồng kênh rạch chính xung quanh khu vực và mở rộng ra các tỉnh lân cận, đón được tàu lớn ra vào vận chuyển hàng hóa, phát triển giao thông đường thủy nội địa.
Bàn về vấn đề này, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, thành phố là trung tâm kinh tế có vị trí và vai trò rất quan trọng, là đầu tàu, đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ giao thương và cũng là đầu mối giao thông lớn nhất cả nước. Hệ thống giao thông vận tải thành phố gắn với 7 tỉnh, thành phố trong vùng. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông, cả đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không để trở thành đầu mối giao thông trong vùng, kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, với khu vực và quốc tế.
Về đường bộ tại thành phố, đường vành đai theo quy hoạch có 3 tuyến (vành đai 2, vành đai 3 và vành đai 4) với tổng chiều dài khoảng 351 km, quy mô 6-8 làn xe. Hiện nay, tuyến vành đai 2 chưa khép kín (còn 4 đoạn đang triển khai các thủ tục đầu tư có chiều dài khoảng 11 km); tuyến vành đai 3 đã đưa vào khai thác đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (16,3 Km), các đoạn còn lại đang được đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2026; tuyến vành đai 4 đang được các địa phương gấp rút chuẩn bị đầu tư.
Ngoài ra, theo quy hoạch đường cao tốc, thành phố có 5 tuyến với tổng chiều dài khoảng 292 km, quy mô 6-8 làn xe. Hiện nay cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang khai thác giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe. Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang triển khai xây dựng giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án và kêu gọi đầu tư. Riêng về đường thủy, theo quy hoạch có 4 hành lang vận tải thủy, 83 luồng đường thủy với tổng chiều dài 555 km, 4 cụm cảng hàng hóa với tổng công suất quy hoạch đến năm 2030 là 43,62 triệu tấn/năm, với tổng sản lượng hàng hóa thông qua đường thủy nội địa năm 2022 ước đạt 65,70 triệu tấn.
Vừa qua, thành phố đã cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng bằng Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030; trong đó đã xác định rõ mục tiêu, các giải pháp phát triển và lộ trình, kế hoạch đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong 10 năm tới; cũng là cơ sở quan trọng trong việc định hướng để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông thành phố, tạo động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Để triển khai Đề án này, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với quan điểm hệ thống hạ tầng giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phải được ưu tiên đầu tư phát triển trước, thực hiện vai trò đi trước mở đường tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong các giai đoạn tiếp theo.
Theo nhận định của các chuyên gia, để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát huy được tiềm năng, thế mạnh, cần sớm triển khai các dự án phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm thúc đẩy hoạt động giao thương, trao đổi, mua bán, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…
Quan trọng nhất, cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư tập trung cho khu vực này như ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp, quy hoạch các trung tâm logistics đồng bộ gắn với quy hoạch chung cả nước, các mục tiêu phát triển của địa phương và cả vùng kinh tế, liên kết quốc tế để phát huy nguồn lực.
Theo Thời báo Ngân hàng