Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực

NHVN 11:59 24/09/2021

Giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm dù đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy sự chủ động, linh hoạt trong sản xuất, xuất khẩu hàng hóa

Các Hiệp định FTA tạo cơ hội cho xuất khẩu tăng trưởng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại trên phạm vi toàn cầu, xuất khẩu của cả nước vẫn có tăng trưởng dương do các doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thay thế.

Điều này cho thấy, việc đẩy mạnh các hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định FTA đã giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.

Xuất khẩu các mặt hàng hoa quả sang thị trường EU tăng mạnh nhờ "đòn bẩy" EVFTA. (Ảnh: VGP)

Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 213,52 tỉ USD, tăng 21,8%, tương ứng tăng 38,15 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 297,43 tỉ USD, tăng 31,2% (tương ứng tăng gần 70,8 tỉ USD). Trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 132,25 tỉ USD, tăng 19,8% (tương ứng tăng 21,83 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD, chiếm 63,1%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,29 tỉ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 189,28 tỉ USD, tăng 22,5%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 15,4 tỉ USD, tăng 14,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 5,58 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, việc triển khai thực thi các Hiệp định FTA có hiệu quả đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp đã tận dụng ưu đãi mở cửa thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do mới ký kết như EVFTA, UKVFTA, CPTPP.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 62,2 tỉ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỉ USD, tăng 19,8%. Thị trường EU đạt 26,1 tỉ USD, tăng 14,5%...

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 10,52 tỉ USD. (Ảnh minh họa)

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được các khu vực thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới, nơi áp dụng những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là với nhóm hàng nông sản và thủy sản.

Cụ thể, xuất khẩu mặt hàng rau quả 7 tháng đầu năm sang Anh tăng 72,5% (đạt 9,5 triệu USD), sang Canada tăng 16,2% (đạt 19,2 triệu USD), sang Nhật Bản tăng 18,2% (đạt 93,6 triệu USD), sang Australia tăng 45,6% (đạt 46,6 triệu USD)…

Biến "nguy" thành "cơ", kỳ vọng vào sự khởi sắc

Việc các quốc gia trên thế giới đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine, kích cầu tiêu dùng và dần mở cửa trở lại, làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam. Điển hình như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử. Các thị trường xuất khẩu chính chứng kiến sự phục hồi rõ rệt ở các ngành hàng chủ lực.

Đối với thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 10,52 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 10,31 tỉ USD, tăng mạnh 68%, tương ứng tăng 4,16 tỉ USD...

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã bứt tốc mạnh mẽ nhờ động lực từ các FTA. (Ảnh: TTXVN)

Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác sang Nhật Bản đạt 1,7 tỉ USD, tăng 33%, tương ứng tăng 417 triệu USD; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 931 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ…

Tại thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,06 tỉ USD, tăng mạnh 65%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,67 tỉ USD, tăng 46%, tương ứng tăng 528 triệu USD...

Ngoài ra, sức cầu của thị trường thế giới hồi phục mạnh gây ra sự thiếu hụt, tạo sự gia tăng giá hàng hóa trên thị trường quốc tế. Giá xuất khẩu tăng góp phần thúc đẩy giá trị xuất khẩu gia tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kì xuất nhập khẩu hàng hóa và tín hiệu phục hồi của cầu hàng hóa trên thị trường thế giới. Đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản…

Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và UKVFTA đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta sẽ tiếp tục khởi sắc.

Theo Kinh tế môi trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/xuat-khau-cua-viet-nam-van-tang-truong-tich-cuc-59709.html

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực tại chuyên mục Tài chính doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính doanh nghiệp