HSBC: Kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay, năm sau đến lượt châu Âu

Đông Phong 10:57 24/07/2023

Mỹ sẽ rơi vào thời kỳ suy thoái trong quý IV/2023, sau đó là "một năm suy giảm và suy thoái ở châu Âu trong năm 2024", HSBC Asset Management dự đoán.

HSBC cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ không thể cắt giảm lãi suất nếu lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu họ đề ra. Ảnh: AFP

Cảnh báo suy thoái "đỏ rực"

Trong báo cáo triển vọng giữa năm 2023 vừa công bố, HSBC Asset Management, công ty quản lý tài sản của gã khổng lồ ngân hàng Anh, lưu ý rằng các cảnh báo suy thoái đang "đỏ rực" đối với nhiều nền kinh tế trong bối cảnh các chính sách tài khóa và tiền tệ không đồng bộ với thị trường chứng khoán và trái phiếu.

Ông Joseph Little, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại HSBC Asset Management, cho biết mặc dù một số bộ phận của nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì khả năng phục hồi cho đến nay, nhưng sự cân bằng rủi ro "đang cho thấy nguy cơ suy thoái cao” với việc kinh tế châu Âu tụt hậu so với Mỹ, nhưng quỹ đạo vĩ mô nói chung "vẫn khớp nhau".

"Chúng ta đang trong thời kỳ suy thoái lợi nhuận nhẹ và các vụ doanh nghiệp vỡ nợ cũng bắt đầu tăng", ông Little nêu trong báo cáo.

"Điều may mắn là chúng tôi dự đoán lạm phát cao sẽ giảm tương đối nhanh chóng. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách cắt giảm lãi suất", nhà phân tích của HSBC nhận định.

Bất chấp chính sách "diều hâu" (mạnh tay tăng lãi suất) được các ngân hàng trung ương áp dụng và áp lực căng thẳng rõ rệt của lạm phát, đặc biệt là lạm phát lõi, HSBC Asset Management vẫn cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trước cuối năm 2023, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ có động thái phù hợp vào năm tới.

Fed đã tạm dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ tại cuộc họp tháng này khi cơ quan này giữ nguyên lãi suất cơ bản liên bang trong ngưỡng 5 - 5,25%. Tuy nhiên, Fed đã phát tín hiệu có thể tiến hành hai đợt tăng lãi suất nữa trong thời gian còn lại của năm 2023.

Theo nền tảng theo dõi biến động chính sách tiền tệ FedWatch của tập đoàn CME, thị trường dự đoán rằng lãi suất liên bang sẽ tăng cao hơn 0,25 điểm phần trăm vào tháng 12 năm nay.

Nhà phân tích Joseph Little của HSBC cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ không thể cắt giảm lãi suất nếu lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu họ đề ra, đơn cử tại các nền kinh tế lớn. Ông Little lưu ý, điều mấu chốt là suy thoái kinh tế "không đến quá sớm" và khiến kéo giảm lạm phát.

"Kịch bản suy thoái sắp tới có khả năng cao là giống với cuộc suy thoái đầu những năm 1990, với kịch bản chính là GDP giảm từ 1 - 2%", ông Little nói thêm.

HSBC dự đoán suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế phương Tây sẽ dẫn đến một "triển vọng khó khăn cho các thị trường" vì hai lý do.

"Đầu tiên, chúng ta thấy việc thắt chặt nhanh chóng các điều kiện tài chính đã gây ra sự suy thoái trên thị trường tín dụng. Thứ hai, thị trường dường như không định giá một cách đặc biệt bi quan về tình hình thế giới", ông Little cho biết.

Chuyên gia HSBC nói thêm: "Chúng tôi nghĩ rằng luồng tin tức sắp tới trong 6 tháng tới có thể khó tiêu hóa đối với một thị trường đang được dự đoán hạ cánh mềm".

Ông Little đánh giá suy thoái sắp tới sẽ không đủ sức "thanh lọc" mọi áp lực lạm phát khỏi hệ thống, do đó, các nền kinh tế phát triển phải đối mặt với tình trạng "lạm phát và lãi suất cao hơn một chút theo thời gian".

"Do đó, chúng tôi có quan điểm tổng thể thận trọng về rủi ro và tính chu kỳ trong danh mục đầu tư. Biến động lãi suất sẽ rất hấp dẫn - đặc biệt là đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc [Mỹ], nhất là phần đầu và phần giữa của đường cong", ông Little chỉ rõ, đồng thời cho biết thêm rằng HSBC cũng nhận thấy "một số giá trị" của trái phiếu châu Âu.

"Đối với tín dụng, chúng tôi chọn tập trung vào các khoản tín dụng chất lượng cao ở cấp độ đầu tư hơn là các khoản tín dụng đầu cơ. Chúng tôi thận trọng đối với cổ phiếu ở các thị trường phát triển", ông Little cho biết.

Kỳ vọng tín hiệu tích cực từ Trung Quốc và Ấn Độ

Khi kinh tế Trung Quốc phục hồi sau thời gian dài áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt do đại dịch Covid-19, HSBC cho rằng mức tiết kiệm cao của các hộ gia đình trong nước sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nội địa, cùng với đó là tính nghiêm trọng của các vấn đề bất động sản đang đi đến hồi kết và các hỗ trợ tài khóa của chính quyền Trung Quốc được kỳ vọng tạo thêm việc làm.

Lạm phát của Trung Quốc được đánh giá là tương đối thấp khi chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp nhất trong hai năm qua với mức 0,1% trong tháng 5/2023.

Theo ông Little, Trung Quốc có thể sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa và tăng trưởng GDP "sẽ dễ dàng vượt qua" mục tiêu 5% mà chính phủ nước này đề ra cho năm 2023.

HSBC vẫn coi trọng thị trường chứng khoán Trung Quốc vì lý do "không nên đánh giá thấp sự đa dạng hóa" của thị trường này.

"Đơn cử, giá trị [cổ phiếu] đang vượt trội so với tăng trưởng ở thị trường Trung Quốc và châu Á. Điều đó trái ngược với các thị trường chứng khoán phát triển", ông Little lý giải.

Ngoài Trung Quốc, nhà phân tích HSBC lưu ý Ấn Độ cũng là "câu chuyện tăng trưởng vĩ mô chính trong năm 2023" khi nền kinh tế này đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 nhờ chi tiêu của người tiêu dùng phục hồi và ngành dịch vụ phát triển mạnh.

"Ở Ấn Độ, những bất ngờ về tăng trưởng đi lên gần đây và những bất ngờ về lạm phát đi xuống đang tạo ra thứ gì đó giống như một hỗn hợp kinh tế kiểu 'Goldilocks' (góc tiếp cận tìm kiếm điểm trung gian giữa hai thái cực - BTV)", ông Little cho biết.

"Cải thiện bảng cân đối ngân hàng và doanh nghiệp cũng đã được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp của chính phủ. Trong khi đó, câu chuyện cơ cấu đầu tư dài hạn cho thị trường Ấn Độ vẫn không bị ảnh hưởng", chuyên gia HSBC nhận xét.

Link gốc : https://baodautu.vn/hsbc-kinh-te-my-roi-vao-suy-thoai-trong-nam-nay-nam-sau-den-luot-chau-au-d192859.html

Bạn đang đọc bài viết HSBC: Kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay, năm sau đến lượt châu Âu tại chuyên mục Tiền tệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiền tệ