Quý I/2022: Loạt ngân hàng vẫn mạnh tay đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp

sở hữu trí tuệ 14:13 17/05/2022

Mặc dù Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm 2022, song 3 tháng đầu năm, mức tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp tại loạt ngân hàng vẫn tăng.

Đến cuối năm 2021, 24 ngân hàng niêm yết đang nắm giữ 242.674 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng tới 21% so với cuối năm trước, trong đó có 14 thành viên ghi nhận lượng trái phiếu nắm giữ tăng trong năm qua.

Vietcombank là một trong những nhà băng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tăng mạnh nhất với mức tăng hơn 2 lần, từ 5.335 tỷ đồng cuối năm 2020 lên 11.929 tỷ đồng khi kết thúc năm 2021.

Tại NamABank, mức tăng trưởng thậm chí ghi nhận tới 3,7 lần, từ 648 tỷ đồng lên 2.383 tỷ đồng. Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong năm qua bao gồm OCB (91%), TPBank (65%), ABBank (58%), MB (53%), VIB (49%),…

Xét về giá trị tuyệt đối, năm 2021, Techcombank đang là ngân hàng đứng đầu hệ thống về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ, với 62.809 tỷ đồng, tăng 16.081 tỷ đồng, tương đương 34,4% so với con số cuối năm 2020. Lượng trái phiếu này chiếm tỷ trọng tới 11% trong tổng tài sản của nhà băng, cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng trung bình 2,6% của nhóm khảo sát.

Chia sẻ tham luận tại Hội nghị phát triển thị trường vốn diễn ra vào chiều ngày 22/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2021, có 41 tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư của hệ thống TCTD là 274.000 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống

Ngân hàng vẫn mạnh tay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Mặc dù Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm 2022 quy định về việc các tổ chức tín dụng mua bán trái phiếu doanh nghiệp, song quy mô trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng đang nắm giữ tiếp tục tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm.

Đơn cử tại TPBank, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, TPBank đã "ôm" thêm khoảng 9.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, nâng số lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đang nắm giữ hơn 27.589 tỷ đồng, tương đương tăng 49% so với đầu năm.

Không kém cạnh, Techcombank - ngân hàng quán quân về nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021. Tính đến cuối tháng 3/2022 nắm giữ hơn 76.582 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 22,3% so với đầu năm.

Tương tự, ngân hàng MBBank cũng đang ‘ôm’ hơn 46.319 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 26% so với đầu năm.

Tại ngân hàng quy mô nhỏ như OCB cũng ghi nhận mức tăng trưởng tới 2,6 lần so với đầu năm, từ 1.543 tỷ đồng lên hơn 3.945 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu doanh nghiệp tại Nam A Bank cũng tăng tới 50% lên hơn 3.570 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022 tại OCB.

Ngân hàng Nhà nước từng cho biết, đã phát sinh việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để cơ cấu lại nợ. Điều này khiến ngân hàng khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành

Do đó, thông tư 16 chính thức có hiệu lực ít nhiều ngăn chặn tình trạng đảo nợ, lách room tín dụng, còn giúp ngân hàng chặn bớt các rủi ro từ nghiệp vụ đầu tư, ví dụ như quy định không cho ngân hàng mua trái phiếu của nhà phát hành với mục đích đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Ngân hàng nhà nước siết ‘bán giấy gọi tiền’

Thông tư 16/2021/TT-NHNN (Thông tư 16) đã được ban hành có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2022. Theo đó, tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp.

Thứ nhất, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.

Thứ hai, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

Thứ ba, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Cũng theo Thông tư 16, TCTD không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Thêm quy định nữa, đó là trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã bán và hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã mua.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/quy-i-2022-loat-ngan-hang-van-manh-tay-dau-tu-vao-trai-phieu-doanh-nghiep-d140521.html

Bạn đang đọc bài viết Quý I/2022: Loạt ngân hàng vẫn mạnh tay đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tại chuyên mục Tin tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức
Hệ thống ngân hàng đã bơm thêm ra nền kinh tế gần 420.000 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm. Tăng trưởng tín dụng được hỗ trợ bởi việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành.