Trở lại vụ án tranh chấp hợp đồng kinh tế ở Quảng Nam: Hiện hữu nguy cơ xâm phạm hoạt động tư pháp

NHVN 06:01 10/06/2024

Công ty CP Thương mại Dịch vụ Văn hóa Sự kiện Việt D.A.C (Công ty DAC) đã đệ đơn đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm liên quan, đồng thời cung cấp những tình tiết mới.

--Phiên tòa Phúc thẩm ngày 28/9/2023 của TAND tỉnh Quảng Nam.

Công ty DAC là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng kinh doanh bất động sản về chuyển quyền sử dụng đất” do nguyên đơn là Công ty TNHH Phú Long (Công ty Phú Long) khởi kiện. Vụ kiện đã được TAND huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) xét xử sơ thẩm (Bản án sơ thẩm số 01/2023/KDTM-ST ngày 31/5/2023) và TAND tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm (Bản án phúc thẩm số 08/2023/KDTM-PT ngày 28/9/2023). Các bản án “đơn phương chấm dứt hợp đồng” trái luật và phân tán hợp đồng mua bán 105 lô đất bất hợp lý, nên Công ty DAC đã đề nghị giám đốc thẩm để bảo vệ quyền lợi.

Công ty Phú Long là chủ đầu tư dự Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu dân cư Tam Anh Nam giai đoạn 3 tại xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ngày 07/10/2020, Công ty Phú Long (do ông Nguyễn Văn Thân là người đại diện theo pháp luật) và Công ty DAC (do ông Trương Đình Đức là người đại diện theo pháp luật) ký kết Hợp đồng mua bán số 17/HĐMB/PL-D.A.C để mua bán 105 lô đất nền tại dự án này với tổng giá trị là 105 tỉ đồng, có đơn giá từng lô và phụ lục hợp đồng kèm theo.

Sau khi Công ty DAC đã thanh toán số tiền là 75.695.912.820 tỉ/105 tỉ đồng (hơn 2/3 Hợp đồng số mua bán số 17), Công ty Phú Long ra 19 sổ đỏ và lập 19 hóa đơn GTGT nhưng không đúng đối tượng, địa chỉ của Hợp đồng 17. Công ty DAC yêu cầu điều chỉnh ra sổ đỏ và lập hóa đơn đúng tên Công ty DAC và số tiền 75.695.912.820 tỉ đồng nhưng Công ty Phú Long không đồng ý. Ngược lại, Công ty Phú Long lại khởi kiện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán số 17 và đòi phạt 21 tỉ đồng (20% x 105 tỉ đồng) vì cho rằng Công ty DAC chậm thanh toán.

Tuy nhiên, quá trình xét xử, Tòa án đã không đảm bảo công bằng, đúng quy định của pháp luật, vi phạm nghiêm trọng tố tụng khi không thu thập chứng cứ theo yêu cầu, không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng và không trưng cầu ý kiến của cơ quan chuyên môn... để làm rõ ai là bên đang vi phạm Hợp đồng số mua bán số 17? Từ đó, dẫn đến những phán quyết trái quy định của pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của doanh nghiệp.

Ông Trương Đình Đức, Tổng Giám đốc Công ty DAC cho hay, theo khoản 4.1 Điều 4 Hợp đồng số 17 (dòng thứ 2), Công ty Phú Long phải “Đảm bảo doanh mục sản phẩm giao cho bên B kinh doanh không có tranh chấp và không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ pháp lý với bất kỳ bên thứ ba nào khác tại thời điểm mua bán”. Nhưng Công ty Phú Long chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính 60 lô đất ở còn lại của dự án Khu dân cư Tam Anh Nam (giai đoạn 3) với Nhà nước, 60 lô này nằm trong danh mục 105 lô đất của Hợp đồng số 17.

Cụ thể tại Văn bản số 386/TB-UBND ngày 13/12/2023, UBND tỉnh Quảng Nam kết luận: “Đối với 60 lô đất ở còn lại đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Block (tương ứng với diện tích 9.094,3m2): sau khi được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung giá đất cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, khi đảm bảo thực hiện hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án thì tiếp tục giải quyết thủ tục tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở theo đúng quy định”.

Ông Trương Đình Đức nhấn mạnh, theo Văn bản trên, rõ ràng Công ty Phú Long chưa đảm bảo điều kiện pháp lý để thực hiện các điều khoản thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán số 17. Tuy nhiên, Tòa án đã không trưng cầu ý kiến của cơ quan chuyên môn như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường hay UBND tỉnh... để nắm bắt tình hình pháp lý dự án. Công ty DAC để nghị chủ đầu tư trưng cầu các sổ tổng của dự án nhưng không được Tòa án xem xét.

Ngoài việc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với 60 lô đất thì Công ty Phú Long còn gây tranh chấp với bên thứ ba là khách hàng, khi đã bán 105 lô đất cho Công ty DAC nhưng lại ký Hợp đồng chuyển nhượng 19 lô đất cho 19 khách hàng mà không có sự đồng ý của Công ty DAC. Không những vậy, giá chuyển nhượng không đúng với đơn giá của hợp đồng mua bán số 17.

Theo Kết luận thanh tra số 6116/KL-CTQNA ngày 22/8/2023 của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Phú Long hủy 19 hóa đơn GTGT xuất trái quy định đối với lô đất nêu trên. Đồng thời, phải lập hóa đơn GTGT đối với khoản thu 75.695.912.820 tỉ đồng cho Công ty DAC.

Ông Đức cho biết, Kết luận thanh tra Thuế được ban hành trước khi Tòa án xét xử phúc thẩm ngày 28/9/2023 tuy nhiên, TAND tỉnh Quảng Nam không thu thập đầy đủ chứng cứ theo đề nghị của Công ty DAC tại phiên họp đối chất mà vẫn tiến hành phiên tòa. Và mặc dù trước đó, Tòa án đã tiếp nhận đơn phản tố của Công ty DAC và Kháng nghị của Viện trưởng VKSND huyện Núi Thành.

Việc Tòa án 02 cấp không triệu tập UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh, Cục thuế tỉnh làm người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, cũng không trưng cầu ý kiến các cơ quan chuyên môn này dẫn đến việc tuyên án sai bản chất vụ việc, không khách quan và phiến diện; vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, gây thiệt hại cho Công ty DAC và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Cũng theo ông Đức, Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam và Kết luận Thanh tra của Cục Thuế Quảng Nam đã khẳng định Công ty Phú Long là bên vi phạm Hợp đồng mua bán số 17, nhưng Tòa án không thu thập chứng cứ, không xem xét toàn bộ vụ việc theo đúng quy định pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của Công ty DAC. Theo Hợp đồng mua bán số 17, Công ty DAC là bên mua 105 lô đất, đã thanh toán 75.695.912.820 tỉ đồng/105 tỉ đồng (hơn 2/3 giá trị hợp đồng), có trách nhiệm đóng thuế cho Nhà nước và hưởng khấu trừ theo quy định. Thế nhưng Bản án tuyên chỉ cho DAC được nhận 21 sổ đỏ (1/5 Hợp đồng)?

“Từ 2020 đến nay, mỗi tháng trôi qua, Công ty DAC phải gánh chịu lãi vay ngân hàng tương ứng 10%/năm, trung bình là 700.000.000đ/tháng (Bảy trăm triệu đồng). Đó thực sự là gánh nặng với Công ty DAC”, ông Trương Đình Đức cho biết.

Cũng vì như vậy, Công ty DAC đã vận dụng các nguồn từ khách hàng và cổ đông để chi trả cho những thiệt hại nặng nề trên. “Nếu tình hình này kéo dài sẽ càng gây thiệt hại lớn và thậm chí xảy ra những xung đột, gây ra điểm nóng trên địa bàn và gây nguy hiểm cho Công ty DAC thậm chí là tính mạng của hội đồng thành viên khi liên tục bị khách hàng đe dọa”, ông Trương Đình Đức lo ngại..

Vì những lẽ trên, Công ty DAC khẩn thiết đề nghị Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng tiến hành xét xử lại vụ án trên cơ sở những chứng cứ, tài liệu được xem xét toàn diện, đầy đủ và khách quan; đưa những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đề cập ở trên tham gia tố tụng để làm rõ bản chất vụ án, trách nhiệm của các bên để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, của họ. Đây là nguyện vọng chính đáng của Công ty DAC, nhưng cũng là kỷ cương phép nước; đồng thời cũng vì môi trường đầu tư minh bạch ở Quảng Nam.

Theo Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam

Link gốc : https://lsvn.vn/tro-lai-vu-an-tranh-chap-hop-dong-kinh-te-o-quang-nam-hien-huu-nguy-co-xam-pham-hoat-dong-tu-phap-1717387709.html

Bạn đang đọc bài viết Trở lại vụ án tranh chấp hợp đồng kinh tế ở Quảng Nam: Hiện hữu nguy cơ xâm phạm hoạt động tư pháp tại chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu