Chuyên gia: Không thể mãi “tắt - bật” nền kinh tế

NHVN 11:06 11/09/2021

Đặc thù ngành sản xuất kinh doanh cần có sự ổn định. Không thể cứ mãi tắt - bật nền kinh tế, chi phí khi đó đội lên rất nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến DN.

Kỳ vọng của quốc tế với Việt Nam là rất lớn

Tại phiên hiến kế "Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19" tổ chức sáng 10/9, ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - đã chia sẻ về những chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2021 là xác định không để đứt gãy chuỗi cung ứng mà các doanh nghiệp Việt đang tham gia.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo “là làm cách nào hạn chế nhất việc không để giảm thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp tại các thị trường truyền thống”. Ông Kiên đánh giá chỉ đạo này của Thủ tướng là rất quyết liệt.

“Các thị trường nước ngoài sẽ không ngồi đợi chúng ta có đơn hàng cho họ, mà ngay lập tức sẽ dịch chuyển sang các thị trường khác. Điều này để thấy rằng, chúng ta chỉ cần chậm một nhịp trong việc cung ứng hàng hoá là sẽ mất đi thị trường và gặp khó khăn trong năm tới”, ông Kiên nói.

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng dự báo về những khó khăn mà doanh nghiệp Việt sẽ gặp phải khi hợp đồng kinh tế không chỉ dừng ở quý IV/2021 mà sẽ còn tiếp tục gặp khó ở quý I/2022. Đó là kịch bản trong tình huống Việt Nam được cấp đủ đủ 155 triệu liều vắc-xin đến hết tháng 12/2021.

“Còn nếu chúng ta không có đủ vắc-xin để tiếp sức cho doanh nghiệp thì chẳng có doanh nghiệp nào chịu nổi. Không thể cứ mãi tắt - bật nền kinh tế như vậy, chi phí khi đó đội lên rất nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp”, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, phải xác định không để đứt gãy chuỗi cung ứng mà các doanh nghiệp Việt đang tham gia.

Theo dữ liệu mới nhất của ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Ban IV) báo cáo với Thủ tướng, chỉ trong vòng tháng 8 đã có hơn 10.000 doanh nghiệp phía Nam đã rời khỏi thị trường, đây là con số rất đáng báo động.

Theo tiết lộ của ông Kiên, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6/9 vừa qua, Thủ tướng đã giao cho bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu biện pháp hỗ trợ, để làm sao trong năm 2022 - 2023 đạt được phục hồi kinh tế, để đến cuối 2023 thì chúng ta cùng nhịp với kinh tế thế giới là hồi phục như hồi tháng 12/2019.

“Tất cả những kịch bản kinh tế nói trên đều dựa trên nền tảng là chúng ta chuyển từ không Covid sang sống chung với Covid. Và quan trọng là chúng ta phải có các sở cứu khoa học và các phương pháp đặc trị có hiệu quả lâu dài. Xét thấy, vắc-xin vẫn là giải pháp căn cơ nhất”, ông Kiên nhìn nhận.

Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.

Tại phiên hiến kế, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN chia sẻ, áp lực và kỳ vọng của quốc tế đối với Việt Nam là rất lớn, điển hình là Mỹ.

Trong chuyến thăm gần đây, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng nhấn mạnh, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng cho thị trường Mỹ.

Điều đó có thể hiểu, Mỹ có lợi ích quốc gia tự thân trong việc hỗ trợ Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung, trong công tác phòng chống dịch, nhằm nâng cao năng lực của khu vực này, trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng cho thị trường Mỹ và cả đồng minh của Mỹ. Điều này có thể lý giải vì sao Mỹ lại ưu tiên vắc-xin cho Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

“Bản thân các doanh nghiệp Mỹ cũng đề xuất việc Chính phủ Mỹ phải tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho Việt Nam trong công tác chống dịch, nhằm đảm bảo duy trì an ninh kinh tế, an ninh cho chính chuỗi cung ứng tại Mỹ.

Do đó, cần tính đến phương án tái mở cửa, hoạt động trở lại với một kế hoạch rõ ràng.

Ông Thành cũng nhấn mạnh, việc liên tục “tắt - bật” trạng thái hoạt động của nền kinh tế là hoàn toàn không phù hợp. Vì đặc thù ngành sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần có sự ổn định.

Trong kiến nghị gửi đến Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng thông qua phiên kiến nghị, ông Thân Đức Việt - CEO May 10 và ông Nguyễn Thanh Ngữ - CEO Thành Thành Công - Biên Hòa đại diện cho doanh nghiệp mong muốn việc duy trì hoạt động sản xuất được Chính phủ hỗ trợ cần “nhất quán, nhanh chóng, quyết liệt và xuyên suốt trong bối ảnh mới, thay vì liên tục thay đổi các chính sách”.
Vắc-xin vẫn là vũ khí chiến lược

Dưới góc độ y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng cục Y tế Dự phòng, Cố vấn trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam - nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, bài học đặt ra là chúng ta phải sống chung với dịch, nhưng sống chung thế nào thì cần có giải pháp.

Hiện chưa tỉnh nào đạt miễn dịch cộng đồng, trong thời gian tới mới chỉ có một vài tỉnh thành đạt được khi có trên 70% người dân được tiêm đủ mũi vắc-xin Covid-19.

Ông Phu cho rằng, nhóm người đủ 2 mũi vắc-xin cần được quay trở lại làm việc, không phong toả, không giãn cách, nhưng cần đặt ra các quy định về di chuyển khi những người này sang các khu địa phương còn nguy cơ cao.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh, Nhà nước cần tháo gỡ khó khăn trong chuỗi cung ứng còn doanh nghiệp phải có xây dựng mô hình an toàn.

Đồng quan điểm, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Viết Lượng - Chính ủy học viện Quân y - cho rằng: Mục tiêu chống dịch là phải an toàn cho con người và phát triển kinh tế, hai yếu tố này cần gắn song song với nhau.

Theo ông Lượng, hiện đang có 2 xu hướng chống dịch. Xu hướng thứ nhất, một số quốc gia lý tưởng hóa làm sao đưa virus về con số 0 - không có dịch. Còn xu hướng thứ hai là xác định không bao giờ chấm dứt được dịch và không thể đưa Covid-19 về con số 0.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm thứ 2. Để sống chung an toàn với Covid-19 doanh nghiệp nên tiếp cận theo hướng thứ 2, muốn tiếp cận được thì phải nhận rõ kẻ thù. Nắm rõ bản chất của Covid-19 và nhận biết rõ nhất cơ chế lây lan của virus này qua đường hô hấp, chủ yếu là giọt bắn, dù giọt bắn lớn hay giọt bắn nhỏ. Khi nhận biết rõ được kẻ thù, thì giải pháp đưa ra phải đúng, nhất là đối với các doanh nghiệp, như vậy mới đạt hiệu quả và đỡ lãng phí nguồn lực”, ông Lượng nói.

PGS.TS Nguyễn Viết Lượng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của vắc-xin Covid-19 nội địa. Bởi ông cho rằng, chiến lược vắc-xin trong nước vẫn là câu chuyện căn cơ và phải có hành động quyết liệt với việc đẩy nhanh tiến độ có vắc-xin nội địa.

Các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã xác định, việc sống chung với dịch Covid-19 là yêu cầu cần thiết hiện nay, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì chưa đủ, bởi đây không phải là “cuộc khiêu vũ solo", mà ở đó còn cần sự chung tay hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan công quyền.

Theo Người đưa tin

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-khong-the-mai-tat-bat-nen-kinh-te-a527180.html

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia: Không thể mãi “tắt - bật” nền kinh tế tại chuyên mục Tài chính doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính doanh nghiệp