Như Nhadautu.vn đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ vừa có Kết luận Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đã không thực hiện đánh giá lại tài sản là không đúng quy định về quản lý tài sản doanh nghiệp nhà nước; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng 30.927,7m2 tại 152 Trần Phú mà không xin phép Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước, của doanh nghiệp.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan thu hồi cơ sở nhà đất tại 152 Trần Phú và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc đến ngày 31/12/2023 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển cơ quan điều tra, Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nằm trong trung tâm quận 5, TP.HCM, giáp ba mặt tiền hướng ra Trần Phú, Lê Hồng Phong và Trần Nhân Tôn, dự án số 152 Trần Phú là một trong những lô đất đẹp cuối cùng còn sót lại trong nội thành TP.HCM.
Nơi đây trước là Nhà máy thuốc lá Sài Gòn của Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn (công ty con 100% vốn của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - Vinataba). Đến năm 2008, với việc di dời ra huyện Bình Chánh, Vinataba và Công ty Thuốc lá Sài Gòn quyết định góp vốn thực hiện dự án thương mại trên chính khu đất 152 Trần Phú, cùng các đối tác là CTCP Thương mại và đầu tư VI NA TA BA (thành viên của Vinataba), Công ty TNHH Đô Thành Việt và CTCP Xây dựng Thương mại Căn nhà Mơ ước (nay là CTCP DRH Holdings).
Dự án nhanh chóng được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 13/10/2008 và Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ngày 19/1/2009.
Các bên sau đó đã thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Vina Alliance, vốn điều lệ 880 tỷ đồng (55 triệu USD). Dù vậy, cơ cấu cổ đông Vina Alliance có sự thay đổi khi các cổ đông sáng lập Căn Nhà Mơ Ước, VI NA TA BA và Đô Thành Việt lần lượt rút lui. Cơ cấu cổ đông chủ dự án 152 Trần Phú lúc này gồm: Pacific Alliance Land Limited thuộc quỹ đầu tư VinaCapital (62%), Vinataba (20%), Công ty TNHH Sơn Đông (10,5%) và Công ty Thuốc lá Sài Gòn (7,5%).
Quá trình đổi chủ tại dự án đất vàng 152 Trần Phú chưa dừng lại ở đây.
Đầu năm 2017, cổ đông lớn nhất dự án là Pacific Alliance Land Limited thoái hết 62% cổ phần trong dự án 152 Trần Phú, thu về 44,2 triệu USD. So với mức góp vốn 545,6 tỷ đồng (34,1 triệu USD thời điểm đầu tư). Nếu xét theo đồng USD, công ty này lãi 10,1 triệu USD, tương đương tỷ suất lợi nhuận 30%, còn nếu tính theo VNĐ, con số này là khoảng 80%. Bên nhận chuyển nhượng là Công ty Bất động sản Trí Đức - có trụ sở tại 36-38 Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, TP.HCM.
Đến ngày 24/5 và 13/6/2017, Công ty Thuốc lá Sài Gòn và công ty mẹ Vinataba lần lượt ký các hợp đồng chuyển nhượng 7,5% và 20% vốn trong liên doanh Vina Alliance cho cổ đông hiện hữu là Công ty TNHH Sơn Đông.
Giá gốc của khoản đầu tư là 242 tỷ đồng, giá trị chuyển nhượng 371,5 tỷ đồng. Khoản lãi mà Vinataba (hợp nhất) nhận được là 129,5 tỷ đồng. Sơn Đông qua đó nâng tỷ lệ sở hữu trong dự án từ 10,5% lên 38% cổ phần.
Dự án 152 Trần Phú từ khu đất Nhà nước đã nhẹ nhàng được "sang tay" cho các nhà đầu tư tư nhân. Tính đến tháng 9/2017, dự án 152 Trần Phú chỉ còn lại hai nhà đầu tư là Bất động sản Trí Đức (62%) và Công ty TNHH Sơn Đông (38%).
Những nhà đầu tư còn lại tại “đất vàng” 152 Trần Phú là ai?
Như vậy, có thể thấy cuộc chơi trong tay đất vàng 152 Trần Phú thuộc về Trí Đức – đơn vị nắm 62% vốn công ty. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này từng thuộc sở hữu của một tập đoàn lớn ở khu vực phía Nam, và sau đó đã có chủ mới là nhóm Vạn Thịnh Phát.
Trong một diễn biến liên quan, lô đất 152 Trần Phú liên quan đến Vạn Thịnh Phát cũng nằm trong danh sách mà Phòng An ninh kinh tế - Công an TP.HCM ngày 13/10 vừa qua đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố rà soát, xác định và cung cấp thông tin.
Việc Vạn Thịnh Phát tham gia M&A dự án là điều dễ hiểu bởi đây là đơn vị có thâm niên và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực bất động sản TP.HCM. Trong khi đó, sự xuất hiện của Công ty TNHH Sơn Đông không khỏi dấy lên nhiều băn khoăn, bởi đây là đơn vị hoạt động chính ở lĩnh vực kinh doanh thuốc lá.
Theo tìm hiểu, Sơn Đông là một đơn vị có thâm niên, thành lập vào ngày 9/1/2002. Đến tháng 10/2017, công ty thực hiện tăng vốn điều lệ từ 113,888 tỷ đồng lên mức 500 tỷ đồng.
Việc tăng vốn tuy có làm thay đổi cơ cấu sở hữu Sơn Đông nhưng không làm phát sinh thành viên góp vốn mới. Sơn Đông vẫn là một doanh nghiệp gia đình của vợ chồng ông bà Trịnh Văn Tuyển (SN 1961) – Vũ Thị Hoa (SN 1976). Theo đó, tính đến tháng 10/2017, cơ cấu cổ đông Sơn Đồng gồm: Ông Trịnh Văn Tuyển (65%), Trịnh Văn Kiệu (10%) và bà Vũ Thị Hoa (25%).
Gia đình doanh nhân họ Trịnh là tên tuổi lớn trong giới kinh doanh thuốc lá Việt Nam. Và Sơn Đông chính là một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về phân phối trong ngành công nghiệp thuốc lá, với những sản phẩm chủ lực như như 555, Kent, Craven A,… Sơn Đông cũng nhiều lần được tôn vinh trong các bảng xếp hạng uy tín, như VNR500, FAST 500.
Ngoài doanh nghiệp "hạt nhân" là Công ty TNHH Sơn Đông, gia đình ông Trịnh Văn Tuyển còn nắm trong tay nhiều doanh nghiệp như: CTCP Hệ thống phân phối Thuốc lá Sơn Đông; CTCP hệ thống Phân phối Thuốc Lá Miền Nam; CTCP hệ thống phân phối thuốc lá Hà Nội…
Năm 2019, doanh thu Sơn Đông đạt 2.187 tỷ đồng, giảm gần 7% so với năm 2018 và là mức thấp nhất giai đoạn 2016-2019. Trừ đi các chi phí, Sơn Đông thu về 30,7 tỷ đồng lợi nhuận, giảm gần 48%.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 31/12/2019 là 1.504 tỷ đồng, giảm 5,34%. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu 506 tỷ đồng, giảm 8,6%; nợ phải trả 998 tỷ đồng, giảm 3,62%.