Theo đó, Cơ quan hải quan sẽ căn cứ theo quy định tại Điều 2, Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Điều 6 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và hồ sơ vụ việc để áp dụng quy định “sự kiện bất khả kháng” đối với từng vụ việc cụ thể.
Điều này nhằm đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc, quy định xử lý vi phạm, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Đồng thời, các đơn vị cần thống kê, báo cáo cụ thể các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; tình hình tồn đọng các vụ việc, hồ sơ xử lý vi phạm hành chính không thể giải quyết được đúng hạn hoặc không xử lý được và các trường hợp khác phát sinh trong thực tế hoạt động của đơn vị; biện pháp giải quyết, khắc phục của cơ quan Hải quan và doanh nghiệp đã thực hiện.
Trước đó, Tổng cục Hải quan đã nhận được văn bản của một số cục hải quan tỉnh, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị xem xét không xử phạt vi phạm hành chính đối với một số trường hợp vi phạm xảy ra trong lĩnh vực hải quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, chống dịch của Chính phủ.
Trong đó, các đơn vị hải quan địa phương và doanh nghiệp đã nêu một số trường hợp như: Hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm tra nhà nước về chất lượng nhưng chuyên gia nước ngoài chưa thể sang Việt Nam để lắp ráp phụ kiện phục vụ cho việc kiểm tra chất lượng hàng hóa theo quy định; hàng hóa (hóa chất) nhập về không có bồn chứa, không tiêu thụ được nên phải lưu tại cảng, không thể khai hải quan đúng thời hạn quy định; doanh nghiệp không nộp báo cáo quyết toán, nộp chậm báo cáo tình hình sử dụng hàng hóa miễn thuế do giãn cách xã hội, không có nhân viên làm việc...
Thu giữ nhiều dụng cụ kit test Covid-19. Ảnh minh hoạ |
Nhiều doanh nghiệp không thể thu xếp nguồn tài chính để nộp tiền thuế cho tất cả các lô hàng đã về Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng đến cửa khẩu; doanh nghiệp không thể đăng ký tờ khai, lấy hàng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hàng về đến cửa khẩu do hoạt động trong khu vực bị phong tỏa; doanh nghiệp không thể thực hiện tái xuất hàng hóa theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính do giãn cách xã hội và ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Mới đây, Chính phủ đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế, bao gồm: Vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); Dịch vụ lưu trú; Dịch vụ ăn uống; Hoạt động xuất bản (trừ xuất bản theo hình thức trực tuyến); Hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; Hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí.
Cụ thể, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định tại khoản này. doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định tại khoản này. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định tại khoản này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo phương án này là khoảng 5.000 tỷ đồng.
Qua rà soát, Chính phủ đánh giá với đề xuất giảm mức thuế suất thuế giá trị gia tăng như nêu trên thì đối tượng được thụ hưởng trực tiếp chính sách này là người mua hàng hóa, dịch vụ (do mức giảm 30% thuế suất thuế giá trị gia tăng thể hiện trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của người bán, qua đó giảm số tiền mà người mua phải thanh toán); đồng thời cũng sẽ gián tiếp hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích bán hàng tốt hơn, nhiều hơn, qua đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Về tiền phạt chậm nộp, Chính phủ đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
Nội dung đề xuất này về thực chất cũng tương tự với việc gia hạn thời hạn nộp thuế còn nợ của doanh nghiệp, tổ chức trong các năm 2020, 2021 và số tiền chậm nộp của các doanh nghiệp, tổ chức bị thua lỗ, khó có khả năng nộp ngân sách nên có tác động giảm gánh nặng nợ để doanh nghiệp, tổ chức có thể yên tâm và sớm hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo phương án này là khoảng 5.300 tỷ đồng.
Theo tính toán của Chính phủ, việc thực hiện 4 đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng, giảm thêm 1.300 tỷ đồng so với đề xuất trước đây.
Theo doanh nhân Việt Nam