Trụ cột phát triển kinh tế
Nghị quyết số 43-NQ/TW, về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, công nghiệp công nghệ cao là một trong ba trụ cột trong phát triển kinh tế của địa phương.
Định hướng phát triển Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030, cũng được UBND Đà Nẵng phê duyệt với mục tiêu giai đoạn 2020-2025 sẽ thu hút ít nhất 3 dự án có quy mô vốn trên 100 triệu USD. Đến năm 2030, phát triển Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đồng bộ với các Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và TP. Hồ Chí Minh, trở thành hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Đà Nẵng chia sẻ, từ năm 2012 đến nay, thành phố đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Một trong ba khu công nghệ cao cấp quốc gia và là khu công nghệ cao duy nhất tại miền Trung - Tây Nguyên. Thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao được xác định là động lực và hạt nhân để tạo ra đột phá, góp phần then chốt vào sự phát triển của kinh tế Đà Nẵng. Ông Lê Trung Chinh cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, Khu Công nghệ cao của địa phương thu hút được 29 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 900 triệu USD. Đà Nẵng đặt mục tiêu, tỷ lệ đóng góp của Khu Công nghệ cao vào GRDP đạt tối thiểu 10-15% giai đoạn 2025 - 2030.
Đà Nẵng đang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao |
Đến nay, Đà Nẵng đã tích cực xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư đầu tư vào Khu Công nghệ cao. Các lĩnh vực thành phố đã tập trung thu hút như, công nghệ cơ khí chính xác, công nghệ chế tạo vật liệu và sản phẩm cấy ghép can thiệp vào cơ thể con người, tự động hóa, nghiên cứu thiết kế, phát triển sản phẩm điện tử, công nghệ thiết kế chế tạo các vi mạch điện tử tích hợp, công nghệ chế tạo điện tử linh hoạt, công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano…
Bên cạnh, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào khu công nghệ cao theo quy định của Chính phủ, Đà Nẵng còn có thêm những chính sách riêng có để hỗ trợ cho nhà đầu tư. Theo đó, thành phố đã ban hành nhiều giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghệ cao. Ông Nguyễn Công Tiến, Phó trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng hiện có nhiều chính sách ưu đãi đặc thù về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế hàng hóa nhập khẩu, thuê mặt bằng… Đặc biệt, đối với dự án quan trọng có vốn đầu tư lớn, ban quản lý sẽ thành lập tổ công tác để giúp nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc. Ban quản lý sẽ bố trí nhân sự của các phòng chuyên môn nghiệp vụ để giúp đỡ từ giai đoạn tiếp xúc gặp gỡ đến lúc nhà đầu tư nộp hồ sơ… Ông Trương Hoàng Nguyên, Giám đốc điều hành Công ty Universal Alloy Corporation VietNam (UACV) cho biết, từ khi mới bắt đầu khảo sát dự án cho đến giai đoạn vận hành hiện tại, công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ lãnh đạo thành phố, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, các sở, ban, ngành cũng như sự hợp tác đến từ các trường đại học, cao đẳng và trường nghề trong và ngoài Đà Nẵng…
Thu hồi dự án “đánh trống bỏ dùi”
Gần đây, nhiều nhà đầu tư, đơn vị tư vấn quốc tế đặt vấn đề vì sao số dự án thu hút đầu tư công nghệ cao và tỷ lệ lấp đầy theo báo cáo của Đà Nẵng khá cao. Tuy nhiên, qua khảo sát của nhà đầu tư thì diện tích đất trống trên thực tế còn rất nhiều? Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Công Tiến thông tin cụ thể, đến hết quý I/2023, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thu hút 29 dự án với tổng vốn đầu tư 905 triệu USD. Trong đó, khu sản xuất công nghệ cao tỷ lệ lấp đầy đạt 55%, khu nghiên cứu và phát triển (R&D) tỷ lệ lấp đầy đạt 4,45%, khu hậu cần/dịch vụ logistics đạt hơn 60%...
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 8/29 dự án đã triển khai và đi vào hoạt động. Dự kiến, trong năm 2023 sẽ có thêm 3 đến 4 dự án triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Thực tế hiện nay, trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đang có một số dự án gặp nhiều khó khăn do hậu Covid-19. Một số dự án chậm triển khai và khả năng không triển khai được. Bởi vậy, trong thời gian tới cơ quan chức năng địa phương sẽ tiến hành rà soát và thu hồi các dự án chậm triển khai để giao cho các nhà đầu tư mới có năng lực. Ông Nguyễn Công Tiến khẳng định, hiện Khu Công nghệ cao Đà Nẵng vẫn còn quỹ đất để các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư. Riêng đối với các dự án chậm triển khai, việc thu hồi dự án sẽ phải theo quy định. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ cố gắng đẩy nhanh để thu hồi những dự án không khả thi để có thêm quỹ đất cho nhà đầu tư. Ông Tiến cam kết, nếu có doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư vào khu công nghệ cao với dự án được quản lý và vận hành hiện đại (ứng dụng công nghệ số, AI, robot… thì Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, sẵn sàng hỗ trợ lấy lại dự án cũ để đưa các dự án mới vào. Đặc biệt, đối với khu logistics, hiện Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đang tiến hành thu hồi một số dự án để nhường lại nhu cầu cho các nhà đầu tư mới.
Cũng theo ông Lê Trung Chinh, tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu tư vào công nghệ cao trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu, triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển Khu Công nghệ cao. Trong đó, thành phố sẽ xây dựng môi trường đầu tư thân thiện với các chính sách ưu đãi hấp dẫn. Tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho phép điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Khu Công nghệ cao Đà Nẵng lên 1.844ha (tăng 715ha so với diện tích hiện tại), để tạo nguồn quỹ đất đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất; ưu tiên thu hút những dự án có quy mô lớn và công nghệ vượt trội, tiên tiến. Thành phố cũng sẽ đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, tiếp cận nhanh đối với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường trên thế giới trong thời kỳ hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thu hút, sử dụng hiệu quả người có trình độ cao, lực lượng trẻ tài năng trong việc hợp tác nghiên cứu, giảng dạy, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân lực cho ngành công nghệ cao…
Theo Thời báo Ngân hàng