Đề xuất cơ sở pháp lý cho bảo hiểm vi mô phi lợi nhuận

NHVN 14:45 14/07/2020

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng cần có cơ sở pháp lý để thực hiện thí điểm bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị xã hội (CT-XH) vì việc này rất cần, đặc biệt trong điều kiện chúng ta đang tiến hành

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp.

Chiều 13/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức CT-XH.

Thiếu cơ sở pháp lý hướng dẫn bảo hiểm vi mô phi lợi nhuận

Theo tờ trình của Chính phủ, bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm thật đơn giản, dễ hiểu. Tại Việt Nam, bảo hiểm vi mô được triển khai bởi cả các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm và tổ chức CT-XH từ những năm 2008.

Về các DN, trên thị trường Việt Nam chỉ có 3 DN bảo hiểm là Prudential, Manulife và Dai-ichi cung cấp sản phẩm dành riêng cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, do Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa có quy định riêng với tổ chức triển khai bảo hiểm vi mô, các DN khi triển khai bảo hiểm cho người có thu nhập thấp vẫn phải thực hiện các yêu cầu về vốn, chi phí phân phối như đối với các sản phẩm thương mại thông thường, do đó việc triển khai trong thời gian qua không đạt được hiệu quả. Prudential và Dai-ichi đã ngừng triển khai sản phẩm này.

Bên cạnh các DN bảo hiểm, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (LHPN) cũng đang cung cấp bảo hiểm vi mô cho các thành viên. Năm 2008, Hội LHPN đã thực hiện Dự án thí điểm bảo hiểm vi mô với tên gọi Dự án Quỹ Tương trợ để cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô cho thành viên của Hội thông qua mạng lưới hoạt động của Tổ chức tài chính vi mô TNHH một thành viên Tình Thương (TYM). Năm 2014, Chính phủ đã cho phép Hội LHPN triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô tại công văn số 1981/VPCP-KTTH. Hiện nay, Hội LHPN cung cấp bảo hiểm vi mô tại 10 tỉnh, thành phố, với 18 chi nhánh và 40 phòng giao dịch, cung cấp sản phẩm bảo hiểm tương trợ vốn vay đến 100% các thành viên vay vốn của TYM.

Tuy nhiên, hiện chưa có cơ sở pháp lý để hướng dẫn hoạt động bảo hiểm vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận, việc triển khai thí điểm của Hội LHPN chỉ dựa trên công văn chấp thuận và hướng dẫn của Chính phủ. Các văn bản này chỉ mang tính chất tạm thời, không đảm bảo cơ sở pháp luật để thực hiện lâu dài. Do đó, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm vi mô của tổ chức CT-XH là cần thiết.

Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đối với nghị định quy định về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, Chính phủ phải được sự đồng ý của UBTVQH trước khi ban hành.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) Nguyễn Thúy Anh cho rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đã có Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về hoạt động bảo hiểm thương mại và Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế quy định về bảo hiểm mang tính chất xã hội. Về bản chất, bảo hiểm vi mô có tính chất thương mại nhưng tờ trình của Chính phủ xác định là bảo hiểm không vì mục tiêu lợi nhuận do sự khác nhau về các chủ thể thực hiện, đối tượng tham gia, mức phí thấp và chưa có luật quy định là chưa thực sự thuyết phục, chưa phù hợp với pháp luật hiện hành.

Theo UBCVĐXH và ý kiến tham gia thẩm tra của các ủy ban khác, hoạt động bảo hiểm nói chung và bảo hiểm vi mô nói riêng đòi hỏi rất cao về tính chuyên nghiệp, cùng với các quy định của dự thảo nghị định và thực tế điều kiện nguồn lực không đồng đều, mô hình tổ chức của các tổ chức CT-XH có sự khác nhau… dẫn đến sẽ khó đáp ứng được yêu cầu về nghiệp vụ, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai.

Do đó, Ủy ban kiến nghị với UBTVQH và Chính phủ trước mắt chưa nên ban hành nghị định như đề xuất. Đồng thời, tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm vi mô của tổ chức CT-XH nhưng phải bảo đảm: thủ tục pháp lý và hình thức văn bản cho phép thí điểm; có công cụ, phương thức để quản lý, thanh tra, kiểm tra và hỗ trợ tổ chức CT-XH khi triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô. UBTVQH ban hành kết luận phiên họp về vấn đề này làm cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm bảo hiểm vi mô của tổ chức CT-XH.

Cần "điểm tỳ pháp lý" để triển khai thí điểm

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cũng băn khoăn về tính khả thi của nghị định cũng như tính bền vững khi triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức CT-XH khi thời gian thí điểm và phạm vi thực hiện chưa nhiều. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các ủy ban cho rằng điều kiện ban hành nghị định "chưa chín", nên cần cân nhắc. Mô hình kinh doanh bảo hiểm vi mô giống các loại bảo hiểm khác, tính rủi ro lại rất cao, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Hơn nữa, hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh cổ phần hoá, thu hẹp lĩnh vực Nhà nước tham gia.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng mặc dù đây là lĩnh vực rất cần thiết nhưng điều kiện thì còn "đuối" về nhiều mặt. Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đồng tình với đề xuất của UBCVĐXH và đề nghị UBTVQH cho Chính phủ "điểm tỳ pháp lý" để tổ chức triển khai thí điểm. "Đề nghị UBTVQH có kết luận thống nhất đồng ý cho Chính phủ thí điểm việc này vì việc này rất cần thiết, đặc biệt trong điều kiện chúng ta đang tiến hành xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội và cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá việc ban hành chính sách tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô rất cần thiết đối với các đối tượng yếu thế, người nghèo. Tuy nhiên thời điểm này chưa nên ban hành nghị định này vì thiếu căn cứ pháp lý.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH cho rằng chưa nên ban hành Nghị định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức CT-XH. Đồng thời, đề nghị Chính phủ "khống chế số tỉnh đã làm, số sản phẩm đã triển khai, không mở rộng. Nếu triển khai thí điểm hiệu quả thì tiếp tục, không hiệu quả thì thu gọn và đi đến chấm dứt" - Phó Chủ tịch Quốc hội nói và nêu rõ, việc tiếp tục thí điểm hay không là do Chính phủ quyết định.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, bổ sung các quy định cần thiết về bảo hiểm vi mô trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm./.

Theo Thời báo Tài chính

Link gốc : http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2020-07-13/de-xuat-co-so-phap-ly-cho-bao-hiem-vi-mo-phi-loi-nhuan-89468.aspx

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất cơ sở pháp lý cho bảo hiểm vi mô phi lợi nhuận tại chuyên mục Bảo hiểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo hiểm
Bên cạnh các chính sách về lương thưởng và những đãi ngộ phổ biến, việc tăng cường bảo vệ tài chính, chia sẻ rủi ro với nhân viên, đang là giải pháp được đánh giá cao về lợi ích đa chiều.