Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản đã gặp khó khăn và tổn thương nặng nề sau gần ba tháng giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do phát hiện số lượng ca F0 lớn bị buộc phải cách ly, phong tỏa và không đáp ứng điều kiện làm việc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”.
Hơn thế, các doanh nghiệp này cũng đang phải chịu áp lực từ việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào; chi phí phòng chống dịch và logistics tăng cao. Do đó, nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận giảm mạnh trong quý III/2021.
Chi phí bào mòn lợi nhuận
Điển hình là Thực phẩm Sao Ta nợ phải trả tăng vọt, lợi nhuận quý III/2021 đi lùi so với các năm trước đó.
Cụ thể, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh thu quý III đạt 1.625,3 tỷ đồng, chênh lệch không đáng kể so với cùng kỳ.
Nhiều khoản chi phí gia tăng đặc biệt là chi phí bán hàng tăng gấp đôi cùng kỳ, lên gần 85 tỷ đồng chủ yếu do tăng mạnh chi phí cước tàu vận tải đã kéo lãi sau thuế trong quý giảm 9,5% còn gần 64 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 3.759 tỷ đồng và lãi ròng 176,5 tỷ đồng; tăng lần lượt gần 17% và 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau 9 tháng đầu năm công ty thực hiện 80,7% mục tiêu doanh thu và 72,3% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của FMC ghi nhận gần 2.714 tỷ đồng, tăng 59% so với đầu năm. Trong đó, lượng hàng tồn kho đến cuối quý 3 tăng 66% đạt hơn 1.008 tỷ đồng chủ yếu do tăng giá trị tồn kho thành phẩm, nguyên vật liệu và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của FMC tăng vọt lên 1.169 tỷ đồng, gần gấp đôi con số đầu năm với gần 807 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn, tăng 83%.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực cá tra là Công ty cổ phần Nam Việt (Mã: ANV) báo lỗ do cũng chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh.
Cụ thể, CTCP Nam Việt lỗ sau thuế hơn 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 40 tỷ đồng. Doanh thu thuần quý III/2021 của công ty đạt 656 tỷ đồng, cũng giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 2.436 tỷ đồng giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Gánh nặng chi phí khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 74 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ 2020.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, ANV mới chỉ thực hiện được 62% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận năm.
Lãnh đạo ANV cho biết, nguyên nhân doanh thu giảm đến từ số lượng công nhân khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” và phát sinh nhiều khoản khác như chi phí tiền cơm, chi phí test COVID-19, cơ sở vật chất phục vụ cho người lao động ở lại công ty.
Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng nhiều.
Nhắc đến “lỗ chồng lỗ” không thể không có sự góp mặt của Thủy sản An Giang (Mã: AGF) khi doanh nghiệp này đang "chìm dần" bởi 9 tháng lỗ hơn 52 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý III/2021, doanh thu thuần AGF trong kỳ đạt 43,5 tỷ, giảm sâu 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do giá vốn cao hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp quý III/2021 của công ty âm tới 7,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 22,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, mảng xuất khẩu lỗ 4,4 tỷ đồng khi đạt 12,5 tỷ đồng doanh thu nhưng giá vốn lên tới 16,9 tỷ đồng. Riêng thị trường nội địa vẫn mang lại cho công ty khoản lãi 1,7 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính của công ty chỉ đạt 46 tỷ đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính giảm không đáng kể.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 64,3% lên 4,6 tỷ đồng; chi phí khác cũng tăng 8 lần lên 9,7 tỷ đồng.
Doanh thu giảm, chi phí tăng mạnh khiến quý III AGF lỗ sau thuế 38 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 611 triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân lỗ, Agifish cho biết do dịch bệnh Covid 19 bùng phát và kéo dài từ giữa tháng 7 tới nay khiến công ty không thể sản xuất, kinh doanh bình thường, doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí sản xuất tăng.
Kéo theo đó, chi phí quản lý tăng thêm 1,8 tỷ đồng là do công ty hỗ trợ cuộc sống cho người lao động bị tạm ngừng việc. Ngoài ra, thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ (là nguyên nhân chính khiến chi phí khác đội lên 8,5 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Agifish đạt 339 tỷ đồng, giảm 34%, lợi nhuận gộp giảm tới 67%; công ty báo lỗ 52 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ 206 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Agifish là 436 tỷ đồng, giảm 27% so với đầu năm. Nợ phải trả của Agifish lên tới 549 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngắn hạn chiếm tới 99%.
Đẳng cấp của doanh nghiệp đầu ngành
Bên cạnh các công ty báo lỗ, vẫn có nhiều công ty lãi trong quý III năm nay; đầu tiên phải kể đến Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) với lãi gộp quý III tăng 82% so với cùng kỳ năm trước, đạt 447 tỷ đồng.
Theo BCTC quý III/2021, công ty mẹ riêng với doanh thu giảm nhẹ, từ mức 2.793 tỷ về 2.698 tỷ đồng. Giá vốn giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp trong kỳ tăng mạnh gấp đôi lên 447 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, doanh thu MPC giảm xuống còn 23 tỷ đồng – chỉ bằng khoảng 1/3 con số hồi quý III/2020. Chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay được tiết giảm.
Ngược lại, chi phí bán hàng ghi nhận tăng gấp đôi, từ 84 tỷ lên 164 tỷ đồng. Khấu trừ, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ MPC thu về 231 tỷ đồng, vẫn tăng hơn 39% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, MPC ghi nhận doanh thu 7.225 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 410 tỷ, đi ngang 9 tháng đầu năm ngoái.
Mới đây, MPC vừa thông qua việc tăng vốn điều lệ tại Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Minh Phú từ 138 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn, tỷ lệ vốn góp của MPC tại công ty giống này vào mức 99,775%, tương ứng giá trị vốn góp là 199,55 tỷ đồng. Cùng với đó, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc MPC, hiện cũng là Chủ tịch HĐTV Sản xuất giống thủy sản Minh Phú, đang góp 450 triệu đồng vốn.
Năm 2021 là năm MPC bước đầu phác thảo kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh, từ đó làm chủ được nguồn nguyên liệu sạch. Đồng thời, MPC sẽ đẩy mạnh năng suất chế biến và giảm giá vốn hàng bán.
Được mệnh danh là “nữ hoàng cá tra”, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) ghi nhận quý III/2021 có doanh thu thuần tăng 23% so với cùng kỳ, đạt gần 2.232 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn tăng nhẹ hơn giúp lãi gộp tăng vọt 78%, đạt gần 409 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm 27%, xuống còn 50 tỷ đồng. Trong kỳ, các chi phí đồng loạt tăng như chi phí bán hàng tăng 69%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 52% và chi phí tài chính tăng gấp đôi cũng kỳ. Sau cùng, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra báo lãi ròng tăng 46%, đạt hơn 255 tỷ đồng. Theo lý giải của VHC, lợi nhuận tăng do giá bán tăng.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, VHC ghi nhận doanh thu thuần tăng 24%, đạt gần 6.366 tỷ đồng và lãi ròng tăng 17%, đạt gần 647 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm chiếm 70% tổng doanh thu, bán phụ phẩm chiếm 18%, bán hàng hóa chiếm 11%, còn lại đến từ cung cấp dịch vụ và bán nguyên vật liệu.
Năm 2021, VHC đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận lần lượt đạt 8.600 tỷ đồng (tăng 22% so với năm trước) và 700 tỷ đồng (giảm 3%).
Riêng Sa Giang, sau khi được Vĩnh Hoàn mua lại đang sút giảm doanh thu tới 21% so với tháng trước, chủ yếu là do sự sụt giảm của sản phẩm tôm dăm (doanh thu tháng 9/2021 giảm tới 28%, chủ yếu ở thị trường châu Âu). Tuy vậy, sự suy giảm của sản phẩm tôm dăm được bù đắp một phần nhờ sự gia tăng của sản phẩm gạo và các sản phẩm khác.
Như vậy, lũy kế 9 tháng, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn vẫn tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020, động lực tăng trưởng chính là thị trường Mỹ.
Sau Minh Phú, một doanh nghiệp tôm khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý III là CTCP Camimex Group (Mã: CMX) với doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính riêng quý III doanh thu thuần đạt 527 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cùng kỳ, trong khi đó tỉ lệ tăng chi phí vốn chỉ 26,4%, dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 76 tỷ đồng, tăng trưởng 65% so với quý 3 năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 11,4% quý III năm ngoái lên 14,4% quý III vừa qua.
Trong quý doanh thu tài chính đạt 4,7 tỷ đồng, tăng 2,9 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính lại tăng 2,2 tỷ đồng, lên 12 tỷ đồng. Các công ty liên doanh liên kết mang về hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận. Ngoài ra chi phí bán hàng tăng 10 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 21 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13 tỷ đồng, lên 32 tỷ đồng.
Những yếu tố trên tác động, khiến cho lợi nhuận sau thuế còn 27,5 tỷ đồng, tăng trưởng 66,7% so với lợi nhuận đạt được quý III/2020, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 21 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần đạt 1.432 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 88% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 59 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ, và hoàn thành 81% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 46 tỷ đồng.
Trong quý chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do tăng chi phí dịch vụ mua ngoài và các chi phí khác. Lợi nhuận khác trong kỳ ghi dương hơn 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi âm gần 2 tỷ đồng nhờ khoản thuế được giảm.
Theo VASEP, ngay cả sau khi kết thúc giãn cách xã hội, chỉ có từ 30 - 40% doanh nghiệp có đủ năng lực phục hồi. Số doanh nghiệp còn lại rất khó, hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Trước tình hình đó, Bộ NN & PTNT cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng để nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, vận chuyển và tiêu thụ thủy sản; chỉ đạo các địa phương đảm bảo đủ con giống, thức ăn, nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất thủy sản và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, tránh đứt gẫy chuỗi sản xuất.
Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm
Theo Người đưa tin