Các chuyên gia kinh tế dự báo, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đang đẩy thị trường bất động sản vào kịch bản chịu áp lực giảm giá trên thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) khá mạnh.
Rủi ro trong ngắn hạn ở thị trường bất động sản đang hiện diện rõ rệt, đặc biệt với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính tỉ lệ cao, các doanh nghiệp phát triển “nóng”, thiếu chiến lược phát triển bền vững.
Do giãn cách xã hội, nhiều dự án bất động sản không thể bàn giao nhà đúng tiến độ. (Ảnh minh họa) |
Nhà đầu tư kẹt vốn vì dịch bệnh
Với tốc độ tăng giá chóng mặt của thị trường bất động sản TP.HCM trong 5 năm vừa qua, không ít người đã vay tiền ngân hàng để đầu tư vào các sản phẩm như đất nền, căn hộ nhằm kiếm lời.
Hiện nay nhiều người mua nhà đã vào ở nhưng do thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên mất khả năng trả lãi ngân hàng hàng tháng.
Trong khi đó, đối với nhóm người mua nhà đang đợi bàn giao, đợt thanh toán bàn giao nhà mới đây là 20% giá trị sản phẩm nhưng cũng không có đủ tiền để trả, buộc phải chịu phạt từ 2-3% theo quy định của chủ đầu tư. Một số người đã vay thêm tiền của ngân hàng để đóng tiền cho chủ đầu tư, nay mắc kẹt trong cảnh lãi chồng lãi.
Chia sẻ với Báo Lao động Thủ đô, Anh Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà đầu tư bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau sự dịch chuyển của thị trường tại thành phố anh Hùng chuyển về đầu tư đất lớn tại các tỉnh vùng ven như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai…
Khi giá đất tăng mạnh, anh Hùng bán thu tiền về và tiếp tục dùng số tiền vốn, tiền lời và vay thêm để gom mua đất lớn. Nhiều khu đất anh Hùng mua có giá trị giao dịch gần 20 tỉ đồng. Anh Hùng sử dụng vốn tự có hơn 30% tiền mặt và số còn lại vay ngân hàng.
Các đợt dịch bệnh liên tục ập tới, khách không thể đi xem đất, người sắp mua thì rút lại quyết định vì lo ngại tình hình dịch bệnh còn kéo dài. Nhiều người đã cọc cũng không thể tiến hành thủ tục mua bán vì tất cả các phòng công chứng địa phương ngừng làm việc với người từ thành phố Hồ Chí Minh về. Để duy trì và gồng lãi suất anh Hùng buộc phải sử dụng giải pháp vay nóng với lãi suất lên đến 3-5%/tháng.
Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản cũng chia sẻ với Báo Thanh Niên, hiện nay tập đoàn ông có gần 2.000 nhân viên, tiền trả lương cho nhân viên hàng tháng đã đuối. Trong khi đó, hầu hết các dự án ở các địa phương gần như “đóng băng”, không triển khai cũng không bán được hàng.
Theo hầu hết các ông chủ doanh nghiệp bất động sản, ngành này đang hứng chịu nhiều tác động từ lãi suất cao, thuế cao, chính sách đất đai vẫn còn chồng chéo, đặc biệt là thủ tục ở các địa phương đang rất chậm.
Rủi ro vì vay nợ, bán lỗ không ai mua
Theo Dân trí, Anh Vũ Văn Linh, nhà đầu tư tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) có 2 lô đất tại đảo Kim Cương (phường Trường Thạnh) với giá lần lượt là gần 3,2 tỉ đồng và giá hơn 4,2 tỉ đồng. Hơn 2 tháng qua, anh Linh chưa bán được vì thị trường bất động sản "bất động".
Nhiều nhà đầu tư bất động sản đang lao đao vì lãi vay ngân hàng hằng tháng. (Ảnh minh họa) |
Anh Linh chia sẻ, để mua được hai lô đất ở đảo Kim Cương, anh phải vay ngân hàng 3 tỉ đồng. Mỗi tháng, tiền gốc vay và lãi là hơn 44 triệu đồng. Sau một năm "gồng" tiền vay ngân hàng, anh bắt đầu "đuối sức".
"Có khách thiện chí mua, tôi sẵn sàng giảm 100 triệu đồng/lô đất. Giờ nếu bán được hai lô thì trừ gốc và lãi vay ngân hàng, tôi lãi đúng 72 triệu đồng. Đầu tư hơn 7 tỉ đồng, lợi nhuận chỉ 1% sau một năm là thất bại", anh Linh nói.
Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, anh Linh dự đoán có thể phải "ôm hàng" thêm một thời gian nữa. Khi đó, lợi nhuận có thể bằng 0, thậm chí lỗ vì phải "gồng" tiền ngân hàng.
Gỡ khó cho nhà đầu tư bất động sản
Theo Bộ Xây dựng, trong quý 2/2021, cả nước chỉ có 69 dự án nhà ở thương mại được cấp phép, chỉ bằng 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Dự báo, do giãn cách xã hội, các công trình ngừng thi công, nhiều dự án bất động sản sẽ không thể bàn giao nhà đúng tiến độ. Điều này có thể dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và tranh chấp hợp đồng.
Trước thực trạng này, Hiệp hội các Nhà thầu Việt Nam đã kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA)đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp và người mua nhà.
"Hiệp hội đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay cũ và mới để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp", Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn, trong thời điểm giãn cách, họ sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện các thủ tục pháp lý cho các dự án mới, khi việc bán hàng trực tiếp bị ngưng trệ. Tuy nhiên, để thực hiện trôi chảy, vẫn cần sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về thủ tục từ phía các cơ quan chức năng.
Theo Bộ Xây dựng, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, bất động sản. Trong đó, các chính sách hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư, người dân có nhu cầu mua nhà ở cũng được triển khai khi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều gói lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân vay mua nhà.
Đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2021/NĐ-CP ngày 21/5/2021 quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Nghị định này có hiệu lực thi hành sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật về đầu tư và tác động môi trường.
Thêm một chính sách mới được cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương chờ đợi là Nghị định số 69/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 15/7/2021 quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9 tới.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội luôn được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp có nhà ở để đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài...
Các chuyên gia nhận định, nhiều Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ cũng như Quyết định, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan ban hành từ đầu năm 2021 hứa hẹn sẽ mang lại "trợ lực" cho thị trường bất động sản.
Theo Kinh tế Môi trường